Showing posts with label the-lu. Show all posts
Showing posts with label the-lu. Show all posts

May 18, 2021

kịch (1)

bắt đầu mở mục "kịch" (theatre)


bắt đầu một mục mới thì tốt nhất lấy lại một cái đã cũ - tức là lôi lại một bài trên blog cũ

(thời điểm của bài viết dưới đây: cuối tháng Bảy năm 2008, lúc đó người ta dàn dựng và diễn ở Hà Nội một vở kịch của Schiller)

Jan 4, 2017

Đoạn cuối của Khái Hưng

Khái Hưng chết lúc nào?

Thật ra, ta không biết. Thật ra, cái chết của Khái Hưng là cái chết bí hiểm nhất. Dẫu bị nhiều điều che phủ, về cơ bản ta vẫn có thể nghĩ mình hình dung được tương đối đầy đủ về cái chết của Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, hay thậm chí cái chết của Nam Cao. Nhưng với Khái Hưng thì không. Một trường hợp khác: nguyên nhân cái chết của Nhượng Tống giờ đây không thể biết được chắc chắn (tuy rằng có những đám người dám phát biểu lăng nhăng, lại còn chắc như đinh đóng cột, về điều này), nhưng diễn biến cái chết ấy thì ta vẫn biết, chỉ cần đọc báo ra vào thời ấy là thấy, chẳng hạn như tờ Cải tạo. Nhưng cái chết của Khái Hưng xảy đến vào một thời điểm hi hữu, thời điểm của một sự hư vô tuyệt đối: thời điểm không có bất kỳ một tờ báo nào. Người ta hay nói Khái Hưng chết trong năm 1947, một thông tin từ người thân cận với Khái Hưng nói chuyện xảy ra sau Tết âm lịch 1947. Trong cái chết của Khái Hưng, chỉ có duy nhất một điều chắc chắn: nó phải xảy ra sau ngày 19 tháng Chạp năm 1946. Vậy, nó xảy ra trong khoảng từ 19 tháng Chạp cho đến hết năm dương lịch hay sang năm 1947? Cũng có những người cho rằng Khái Hưng đã chết trong năm 1946, nghĩa là những ngày cuối năm. Điều này không thể chắc được, và hiện tại chính xác là đúng bảy mươi năm sau khi các sự kiện liên quan đến cái chết của Khái Hưng (mà ta không dựng lại được một cách cụ thể) xảy ra.

Jan 14, 2016

Trọng Lang

Ô, một khi bắt tay vào việc, tôi không bỏ qua bất kỳ một góc khuất nào đâu. Kể từ khi biết là mình phải vẽ ra hình ảnh văn chương Việt Nam, không một cái gì mà tôi không từng chạm đến.

Kể cả Trọng Lang, tác giả của một thứ văn chương phải nói là cực kém. Nhưng thật ra, Vũ Đình Chí tức Tam Lang, rồi Vũ Bằng và Vũ Trọng Phụng, ở trong mảng "phóng sự", có hơn gì không? Không, tôi không nghĩ là có hơn gì cả. Cùng một loại.

Dec 12, 2015

Nguyễn Vỹ

Lịch sử Việt Nam có một điều, là dành rất ít vị trí cho những nhân vật phản kháng. Nguyễn Vỹ là người gây khó chịu khủng khiếp, kiểu người không hay thấy ở Việt Nam; thời nào, dưới chế độ nào, Nguyễn Vỹ cũng gây khó chịu, và những điều khó chịu ấy đã gây cho bản thân Nguyễn Vỹ không ít hệ lụy.

Ta có một cái nhìn xách mé của Hoài Thanh, và dường như về sau, người ta toàn đánh giá văn nghiệp Nguyễn Vỹ dựa trên đánh giá của Hoài Thanh. Nhưng, lại thêm một lần nữa, Hoài Thanh đâu có tài năng bằng Nguyễn Vỹ, và thêm một lần nữa đánh giá của Hoài Thanh hoàn toàn không đáng tin. Thế Lữ là một người khác chê thơ Nguyễn Vỹ dữ dội, nhưng giờ đây đọc lại, tôi thấy thơ Nguyễn Vỹ không hề kém thơ Thế Lữ, thậm chí còn hơn nhiều.

Một quyển rất hiếm và rất sớm của Nguyễn Vỹ, giờ đây gần như không ai còn biết, viết vào thời điểm người Nhật mới bắt đầu xuất hiện ở Đông Dương:


Sep 27, 2015

Một nhân vật nữa

Đêm nay rằm yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở lòng em cô độc quá
Khách ngồi lại cùng em đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu say
Đây rượu nồng và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử
Chớ đạp hồn em trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn
Gió theo trăng từ biển thổi qua non
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn

Thiên tài của Xuân Diệu, tuy rằng phát lộ chỉ một thời gian không dài, thực sự tuyệt diệu ở những khoảnh khắc ríu rít rối bời của cảm giác, hình ảnh, âm điệu. Cứ đợt nào sáng trăng như Hà Nội lả lướt mấy hôm nay, tôi lại nhớ đến Xuân Diệu (các bác đặc biệt chú ý nhé: "và hồn của em đây", một tuyên ngôn quá đỉnh, quá mức ý vị :p). Xuân Diệu còn nhập đồng thiếp được vài lần nữa, không chỉ trong "Lời kỹ nữ", như trong bài "Hoa đêm" dưới đây:

Jun 26, 2015

Lên, lên nữa, lên mãi

Trong Tự Lực văn đoàn, ngoài địa hạt viết văn thuần túy, nhân vật nào cũng có thể mỉa mai, châm biếm rất ý vị (nhờ thế mà mới có Phong hóa và cái giọng rất riêng của nó, được Ngày nay nối tiếp, trong một khổ báo nhỏ hơn, hợp lý hơn và dễ lưu giữ hơn). Nhưng Thạch Lam và Thế Lữ thường xuyên đẩy sự mỉa mai đi quá ranh giới, con người ngày nay đọc còn thấy bực hộ các đối tượng công kích của họ. Khái Hưng thì không, giọng mỉa mai của Khái Hưng vô cùng đứng đắn. Đây là đặc điểm đầu tiên của Khái Hưng bên ngoài tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch.

Đặc điểm thứ hai của Khái Hưng nhà chính luận là sự nhất quán trong cách nhìn.

Jun 24, 2015

Tự Lực: Một sự nghiệp tuyệt đẹp

Trời mưa buồn nhỉ.

Không phải chỉ có mỗi Phan Cự Đệ mới sai lầm về niên đại (xem thêm ở đây), mà ngay nhiều nhà nghiên cứu khác, xuất phát từ những lập trường khác, kể cả những người đầy hảo ý với Tự Lực văn đoàn, cũng rất hay sai về niên đại. Dường như tới giờ rất ít người thực sự biết Tự Lực văn đoàn không chỉ có nhà xuất bản Đời nay. Ta cần phải tính tiền thân của Đời nay là An Nam xuất bản cục, hoạt động chủ yếu vào năm 1933 và năm 1934. Trong bài dưới đây tôi cũng nói rõ điều đó: niên đại tập truyện ngắn Anh phải sống thường xuyên bị ghi sai, và không chỉ tập Anh phải sống, những sai lầm ấy chủ yếu xuất phát từ việc không biết đến sự tồn tại của An Nam xuất bản cục.

Tài liệu về Tự Lực văn đoàn không thiếu, nhưng trong lịch sử nghiên cứu Tự Lực văn đoàn khoảng 60 năm vừa rồi có rất nhiều điều sai. Đã nói đến cái sai của Phan Cự Đệ liên quan đến Tiêu sơn tráng sĩ, sắp tới tôi sẽ nói đến cái sai của Thư Trung Trần Phong Giao.

Như vậy là mấy năm vừa qua, lặn sâu vào thế giới của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, cuối cùng tôi nghĩ mình đã đi được đến một phần ba chặng đường. Còn nhiều việc phải làm, nhưng về cơ bản cũng đã nói ra được một số thứ. Bài dưới đây là lời giới thiệu cho lần tái bản Anh phải sống tới đây.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghĩ ra được một cái nhan đề có tận bảy dấu nặng :p trước đây tôi đã suýt làm được, nhưng vẫn bị lẫn một dấu hỏi hehe (xem thêm ở đây).

Jun 10, 2015

Vàng và máu: một vị trí

Định mệnh trớ trêu, tôi lại trở thành người chiêu tuyết cho văn xuôi Thế Lữ.

Trong thơ, Thế Lữ như thế nào? Ta hãy nhớ rằng bài "Nhớ rừng" mà ta biết ngày nay, một kiệt tác không thể chối cãi, đã được sửa hoàn toàn: "Nhớ rừng" trong Mấy vần thơ 1941 không phải "Nhớ rừng" của Mấy vần thơ 1935. Thế Lữ đã sửa nó, hay ai đó sửa hộ? Theo tôi đây mới là một nghi án lớn.

Trong thơ, ta còn nên nhìn vào "Cây đàn muôn điệu", bài thơ tuyên ngôn của thơ Thế Lữ. Cứ đọc nó thật kỹ, toàn hình ảnh sáo mòn, vớ vẩn vô cùng. Tất cả những điều đó, Xuân Diệu, ở đỉnh cao thiên tài của mình, chỉ cần đến bốn câu thơ, bốn câu thơ đích thực, đầy chất siêu vượt, nhất là vượt cực xa thơ của Thế Lữ:

Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm
Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm
Sao lại trách người thơ tình lơi lả


May 19, 2015

Tiểu luận thứ nhất về Tự Lực văn đoàn

Tự Lực văn đoàn, ngay từ đầu và trong suốt cuộc tồn tại (một cuộc tồn tại văn chương chóng mặt khủng khiếp), đồng nghĩa với sự quá đà. Một sự quá đà chưa từng có và không hề lặp lại. Sự quá đà ấy không chỉ nằm ở những đả kích, những vứt bỏ và những chế giễu, mà ngay cái tên “Tự Lực” đã là một sự quá đà. Chưa hề định trước, cho tới thời điểm đó, là có một thứ gì được phép độc lập khỏi nhà nước hoặc truyền thống, không nhận tiền và sự dẹp đường, định lối của chính quyền, không chịu sự nâng đỡ kiểu như các bậc tiền bối lỗi lạc, Trương Vĩnh Ký và Phạm Quỳnh. Chỉ trong một cái lắc mình, các khuôn khổ cùng một lúc rơi xuống vỡ vụn, cùng với “Tự Lực” là vị trí của nhà văn độc lập không phụ thuộc vào mạnh thường quân hay một ý chí nào từ trên cao rọi xuống, thậm chí từ bên dưới bốc lên. Bản thân Tự Lực văn đoàn là một ý chí, và đó là một sự quá đà khủng khiếp. Ta chỉ tiếc một điều là Tự Lực văn đoàn đã không quá đà hơn nữa, không đẩy đà nhún ngay ban đầu của sự quá đà ấy bẻ gãy đi nhiều thứ hơn nữa. Những phá phách của giới nhà báo được Vũ Bằng thuật lại trong Bốn mươi năm nói láo chỉ là bóng mờ nhợt nhạt phản chiếu lại những phá phách điên rồ của Tự Lực văn đoàn: đấy là những phá phách đã có tiền lệ; ngay những gì đã tồn tại trước Tự Lực văn đoàn và Phong hóa, chẳng hạn và nhất là Tân Dân, cũng chỉ nhờ có Tự Lực văn đoàn thì mới thực sự tồn tại được. Tự Lực văn đoàn mang đến một điều mới tuyệt đối: đó là văn chương.

Mar 3, 2015

Thơ Đinh Hùng: Hai thế giới

Ta sẽ khởi đầu bằng những gì xưa nay vẫn là nổi tiếng nhất của thơ Đinh Hùng, gần như đương nhiên được coi là đặc trưng Đinh Hùng nhất. Để từ đó thấy được nét độc đáo đầu tiên, cũng đồng thời là sự trớ trêu đầu tiên (cạm bẫy đầu tiên; bởi vì thơ Đinh Hùng là thơ của cạm bẫy trùng trùng tiếp nối; thơ ấy rất đáng sợ): nổi bật không hề là đặc trưng.

Mar 2, 2015

Văn Hạc Lê Văn Hòe vs Thế Lữ

Dưới đây là bài thứ 20 trong cuốn Thi thoại của Văn Hạc Lê Văn Hòe, in năm 1940 hoặc 1941 (quyển sách của tôi rách đúng trang ghi năm, lần trước đã hỏi bác Vũ Hà Tuệ và biết được chính xác năm in rồi nhưng giờ đã quên, nên bác VHT có đi qua thì nhắc hộ cái nhé :p)

Bài này viết về thơ Thế Lữ :p


Feb 23, 2015

Thế Lữ

1934-1935 là khoảng thời gian làm nên tên tuổi một người sẽ còn nổi tiếng rất lâu dài trong nền văn chương Việt Nam: Thế Lữ.


Tập Mấy vần thơ này vẫn được coi là điểm mốc đầu tiên mạnh mẽ nhất của Thơ Mới (bản 1935 hiếm quá nên ở đây chỉ dùng tạm bản 1941 hehe). Còn Vàng và Máu xuất bản năm 1934 ở "Annam xuất bản cục" với lời tựa của Khái Hưng sau này không mấy danh giá.