Showing posts with label dao-trinh-nhat. Show all posts
Showing posts with label dao-trinh-nhat. Show all posts

Mar 18, 2018

Hà Nội từ 1947 đến 1954: Thế còn năm 1949?

Trước tiên: xem ở kia. Và trước tiên, phải khẳng định một điều: tất tật sử gia, từ người Việt Nam cho đến người nước ngoài, đã hoàn toàn thất bại với giai đoạn "Hà nội 47-54".

Xác định được một người ở đâu vào thời điểm nào là một chuyện, nhưng biết người đó làm những gì vào thời điểm ấy lại là một chuyện khác hẳn. Sau 1948, Nhượng Tống làm gì vào năm tiếp theo, 1949? Về cuối năm 49, Nhượng Tống sẽ bị ám sát, nhưng còn trước đó thì sao?

Jan 11, 2017

Hà Nội từ 1947 đến 1954 (1)

Vừa mới xong đây, ngoài nhiều điều khác, ta đã thấy rất rõ rằng giai đoạn Hà Nội 1945-1946 là một "vùng trắng" - về nó xưa nay gần như ta không biết gì. Một đoạn khác còn là "vùng trắng" khủng khiếp hơn: Hà Nội từ đầu năm 1947 cho đến năm 1954.

Tất nhiên, tính chất "trắng" là không đồng nhất. Sự "trắng" này có thể được biểu hiện theo nhiều cách, ở nhiều mức độ. Nhưng phải nói rất rõ rằng, về đoạn 47-54 mà ta đang quan tâm, từ trước đến nay đã có không ít thứ được nói hoặc kể lại. Chỉ có điều, cũng như ở nhiều chỗ khác, cả ở đây, cũng có một câu chuyện khác.

Jan 7, 2016

Lệ Thần Trần Trọng Kim

Khi tác phẩm vĩ đại của Trần Trọng Kim đã quay trở lại tráng lệ một cách chói lọi, không thể không dành một chỗ trang trọng cho nhân vật ấy: một... ờ... ờ... mệnh lệnh.

"Bộ tứ" Kim Khôi Nhất Hùm "của tôi" (xem thêm ở đây) cũng sắp trở thành thành ngữ và sống lâu dài rồi.

Oct 23, 2015

Liêu Trai chí dị

Khi viết Lan Hữu, ở đoạn đầu, Nhượng Tống để cho nhân vật nghĩ ngay đến Liêu Trai. Vũ Hoàng Chương viết Vân Muội ngoài những cảm hứng khác tất nhiên có cảm hứng Liêu Trai. Đó chỉ là một vài ví dụ rất nhỏ.

Lịch sử Liêu Trai chí dị ở Việt Nam quy tụ những tên tuổi lớn, thậm chí còn hơn cả ở trường hợp Tam Quốc chí. Văn nhân Việt Nam, nhất là những người đặc biệt nhất, vô cùng mê Bồ Tùng Linh.

Sep 25, 2015

Đào Trinh Nhất

Hay là đã đến lúc chúng ta nên bớt tin vào một số danh xưng lưu truyền suốt nhiều năm rồi nhỉ? Bộ tứ "Vĩnh Quỳnh Tố Tốn" có đến mức độ như thế không? Khái niệm "bộ tứ" này lại là một cái gì đó vô cùng đặc vị Hà Nội, cái xứ hễ một tí lại thấy có "Trường An tứ hổ", mỗi thuyết lại khác nhau, đại khái Nguyễn Bá Lân hổ mà ông thân phụ Nguyễn Công Hoàn lại cũng hổ nốt.

Với tôi, nếu có bốn trí thức trước 1945 thực sự kiệt xuất có thể đặt thành "bộ tứ" (lại bộ tứ, đúng đầu óc Bắc Kỳ Hà Nội :p) thì đó là "Kim Khôi Nhất Hùm" (Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất và Phan Văn Hùm). Được cái trong này có hùm có hổ luôn đỡ phải phân vân :p

Jul 7, 2015

Sách tháng Sáu 2015

Tháng này cực nhiều sách, nên ta sẽ phải chia phần ra cho dễ theo dõi nhé.

I) Chuyên đề của tháng

Apr 12, 2015

Sách tháng Ba 2015

- Một quả kinh điển:

H. G. Wells, Chiến tranh giữa các thế giới, Phạm Văn dịch, Nhã Nam & NXB Lao động, 262tr., 62.000đ.

Người trái đất phải oánh nhau với người sao Hỏa rất là ghê gớm có vũ khí đặc biệt là Tia Nhiệt: câu chuyện bắt đầu một cách đe dọa: "Vào những năm cuối thế kỷ mười chín, không ai tin rằng thế giới này đang bị theo dõi sát sao và chặt chẽ bởi những kẻ thông minh hơn loài người rất nhiều tuy họ cũng tử sinh như chúng ta."

Wells hay Verne là những tác giả mà không đứa bé nào, nhất là con trai, có thể bỏ qua không đọc trong quá trình tự khám phá thế giới ^^ trước đây, đã có Máy thời gian và Người vô hình (chắc còn có thêm nữa) của Wells được dịch ra tiếng Việt.

Oct 4, 2014

Đào Trinh Nhất viết báo

Trong Istanbul, Orhan Pamuk dành rất nhiều trang cho các nhà bỉnh bút chuyên về thành phố Istanbul, nhất là Ahmed Rasim. Các nhà bỉnh bút giữ mục (giữ cột - columnist, hay feuilletonniste) cứ ngày ngày, trong hàng chục năm, viết về đủ thứ trên đời, về những thứ họ nhìn thấy, đọc được hay nghĩ ra. Trong cuốn tiểu thuyết mới, Bảo tàng Ngây thơ của Pamuk cũng có một nhân vật bỉnh bút có biệt hiệu "Cẩm Chướng" gì đó. Các bỉnh bút báo chí, cái loài kỳ quặc ở thời điểm tồn tại, nhiều chục năm sau này ta mới thấy được giá trị của họ, khi mà khung cảnh chung mà họ sống ở trong không còn nữa, hình dung lại vô cùng khó nhọc. Nhất là ta đọc ra ý vị trong những câu chuyện họ kể và ngôn từ họ dùng.

Ở Việt Nam trước đây cũng từng có những nhà bỉnh bút như thế, trong đó Đào Trinh Nhất là một. Ngày nay phần lớn sách của Đào Trinh Nhất đã được in lại, nhưng cái ngòi bút gọn ghẽ và sự châm biếm nhẹ nhàng, bỡn cợt ấy phải tìm trong các bài báo. Đào Trinh Nhất sinh đúng vào năm 1900, con trai của Đào Nguyên Phổ nên dễ dàng có mối quan hệ với Đông Kinh Nghĩa Thục và Phan Chu Trinh, sau này có mười năm làm báo huy hoàng ở Nam Kỳ (1929-1939).

Dưới đây là mấy bài báo Đào Trinh Nhất đăng trong mục "Chuyện thị phi" của tờ Đuốc Nhà Nam, tờ báo tồn tại vào cuối thập niên 20 cho đến giữa thập niên 30. Bút danh của Đào Trinh Nhất cho mục này là Nam Chúc ("chúc" là đuốc, "nam" ý nói nước Nam). Đào Trinh Nhất nói đến vụ toàn quyền Pasquier bị rơi máy bay bỏ mạng đầu năm 1934 và gợi lại một lịch sử đi sứ của Việt Nam. Đặc biệt, Đào Trinh Nhất rất ghét Tàu; tác phẩm đầu tiên của Đào Trinh Nhất tên là Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ xuất bản rất sớm trong đời Đào Trinh Nhất, vào năm 1924; ông cũng đối chiếu kiểu khinh người của dân Tàu với chính sách bài Do Thái của nước Đức thời Hitler (gọi là Hách-lê). Bài báo thứ ba dùng để chế nhạo tờ Công luận, cụ thể hơn là chĩa mũi dùi vào Diệp Văn Kỳ, một nhà báo nổi tiếng thời ấy.

Phát hiện ra Đào Trinh Nhất từng đọc báo Je suis partout, tờ báo cực hữu với yếu nhân là Lucien Rebatet.

nguồn tư liệu: courtesy of THC


Oct 1, 2014

Phan Khôi và Đào Trinh Nhất: hai “cách tồn tại” trong báo chí văn chương Việt Nam trước 1945

Báo chí Việt Nam đã lớn mạnh vượt bậc ở giai đoạn sung sức nhất của Phan Khôi và Đào Trinh Nhất (với Phan Khôi có thể coi là đoạn từ 1928 đến 1933 còn với Đào Trinh Nhất là lúc ông từ Pháp trở về rồi bắt đầu ở hẳn Sài Gòn cộng tác với nhiều tờ báo, nghĩa là từ 1929 cho đến mấy năm sau đó - ta có thể thấy họ đạt tới độ chín của năng lực làm báo vào cùng một khoảng thời gian; điều này có ý nghĩa rất lớn vì chính ở giai đoạn này Phan Khôi và Đào Trinh Nhất đã cùng nhau giúp tờ Phụ nữ tân văn khiến cho nó nhanh chóng trở thành tờ báo quan trọng bậc nhất Việt Nam). Nó đóng vai trò rất lớn trong quá trình đào luyện chữ Quốc ngữ, đấu tranh xã hội, xiển dương, đấu tranh và tạo môi trường ấn hành cho tiểu thuyết và Thơ Mới. Báo chí thực sự trở thành một trung tâm thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, và không đáng ngạc nhiên lắm khi báo chí dần dà trở thành một thế lực đáng kể[1]. Các nhà báo quan trọng của thời ấy (nếu chỉ tính riêng khu vực Nam Kỳ thì nổi bật “tứ đại làng báo”: Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ, những người làm sôi động làng báo Việt Nam với sự điều hành cũng như những bài viết trên các tờ báo như Đông Pháp, Thần chung, Trung lập, Phụ nữ tân văn); họ được quan tâm và chờ đón hết sức, đến mức tờ Trung lập từng phải vội vã công khai thanh minh rằng lời đồn Phan Khôi không còn cộng tác với mình là sai, vì bài viết Phan Khôi rất được độc giả đón đợi, lời đồn đại ông không còn viết cho Trung lập nữa rất có thể làm sụt giảm doanh số bán báo[2].

Sep 30, 2014

Sách tháng Tám 2014

- Heinrich Böll, Nàng Anna xanh xao và nhiều truyện ngắn khác, Phạm Hải Hồ tuyển chọn và dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 235tr., 60.000đ

Nước Đức đã sản sinh ra những nhà văn kiệt xuất trong quãng Thế chiến thứ nhất (1914-1918) như Ernst Jünger hay Erich Maria Remarque. Thế chiến thứ hai khủng khiếp với lãnh tụ Hitler là giai đoạn nghèo nàn đặc biệt của văn chương Đức; đã không thể sánh được với những giai đoạn rực rỡ trước đó, văn học Đức Thế chiến thứ hai càng không thể so sánh được với thời Thế chiến thứ nhất. Nhưng Heinrich Böll đã xuất hiện, làm thay đổi mọi thứ. Độc giả Việt Nam trước đây từng biết đến ông với các tiểu thuyết như Lạc lối về, Chuyến viễn hành trong đêm hay câu chuyện về anh hề, câu chuyện về Katharina Blum. Nhưng Heinrich Böll xuất sắc hơn cả trong lĩnh vực truyện ngắn. Tập Nàng Anna xanh xao này là một minh chứng cho một ngòi bút vô cùng đặc biệt về thời hậu chiến của nước Đức thua cuộc buồn bã. Cuộc sống hậu chiến ấy được Böll chiếu rọi vào một cái nhìn tinh tế đến cùng cực, nhặt từ trong đó ra những chi tiết đắt giá và thổi vào một tinh thần chưa bao giờ có. Chưa nhà văn nào viết hay như Heinrich Böll về người lính trở về sau chiến tranh.


Sep 18, 2014

Tác phẩm đầu tay của Vũ Trọng Phụng

Hơi khó ngờ vì tác phẩm đầu tay của Vũ Trọng Phụng lại là thơ.

Nhưng cũng không hẳn khó ngờ, vì nhà văn vẫn thường khởi đầu bằng (ít nhất là mấy bài) thơ.

Thông tin dựa thêm vào ở đây.


Jun 28, 2014

Trương Tửu

Dần dà, Trương Tửu đã "lộ diện" trở lại.

Thời kỳ đầu của Trương Tửu, trong tư cách tiểu thuyết gia:


- Khi chiếc yếm rơi xuống, Minh Phương, 1939
- Trái tim nổi loạn, Văn Thanh, 1940
- Một chiến sĩ, Minh Phương, 1938

Jun 21, 2010

(5) Tìm lại Phan Khôi

Phan Khôi chỉ là một ông tú trong vô vàn ông tú của lịch sử khoa cử Việt Nam. Ông tú Phan Khôi làm rất nhiều việc, kinh qua mọi thể tài của văn chương Việt Nam thời kỳ đầu: ông làm thơ, viết văn xuôi, sưu tầm thơ, bình luận thơ, dịch thuật, viết bài giảng dạy “Hán văn độc tu”, sau này còn viết nghiên cứu ngôn ngữ (Việt ngữ nghiên cứu), nhưng trước sau ông vẫn là một nhà báo, một trong những nhà báo vĩ đại nhất của giai đoạn chừng 50 năm của báo chí Việt Nam, bắt đầu từ Nam phong (có thể là cả Đăng cổ tùng báo) cho tới Giai phẩm. Phan Khôi là một “người của các tạp chí” điển hình, một “nhà báo toàn tòng”.

Mấy đặc điểm trong sự nghiệp báo chí Phan Khôi: ông cộng tác với những tờ báo quan trọng nhất của mỗi thời kỳ, ông luôn luôn có một địa vị phải nói là “ngôi sao” trong làng báo Việt Nam, ông đặc biệt hay cãi, có mặt ở trong mọi cuộc tranh luận lớn nhất của báo chí (ngay cả khi không lên tiếng thì ông vẫn cứ là trung tâm của cuộc tranh cãi, như lần Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đòi “chém” Phan Khôi vì coi ông là một cái “tai nạn”, hồi đầu những năm 1930); ở khía cạnh này thái độ của ông nhiều khi đi đến mức cực đoan, thách thức: “Cái đời tôi, chẳng có làm gì hết, chỉ có chực chỉ trích mà thôi, - thì họ làm gì tôi?” (trích từ một bài báo năm 1932); nhưng đặc biệt nhất là lúc nào ông cũng có vị thế hết sức độc lập: từ báo Trung lập ông vẫn viết bài chỉ trích Phụ nữ tân văn là tờ báo vô cùng “sủng ái” ông, trả nhuận bút cho ông ở mức rất cao; Phan Khôi cũng luôn luôn tự nhận mình là một người học trò còn đang phải học hỏi: “Tôi tự phận tôi cũng như là một người thất học từ thuở nhỏ” (trích từ một bài báo năm 1932).

May 2, 2010

Phấn son cũng xông pha

Ngày nay, khi các tờ báo cũ đã trở nên đặc biệt khó kiếm kể cả trong thư viện, những cuốn sách khảo cứu cộng với in lại bài vở của một thời xa xưa trở nên đặc biệt quan trọng và, đặc biệt lý thú. “Phụ nữ tân văn, phấn son tô điểm sơn hà” (Thiện Mộc Lan, Thời Đại & NXB Văn hóa Sài Gòn, 2010, 75.000 đ.) mới được xuất bản để bổ khuyết phần hiểu biết còn thiếu hụt của độc giả về một trong những tờ báo hay nhất của trước 1945. Cộng thêm với một cuốn sách đã in trước đây của linh mục Thanh Lãng, cuốn sách này góp thêm lời kể cho một câu chuyện rất cần được quan tâm: câu chuyện về đàn bà nước Nam.

Kể từ hai nhân vật Đạm Phương nữ sử và Manh Manh nữ sĩ (tức Nguyễn Thị Kiêm - Thiện Mộc Lan cũng từng là đồng tác giả một thiên khảo cứu về nhân vật này trước đây), vấn đề đàn bà đã không còn có thể bị xem thường ở nước Nam nữa. Họ đã tham gia chính các hoạt động trước đó vẫn ngầm được coi là đặc thù của đàn ông và có những thành công mà không phải đàn ông nào cũng đạt tới nổi. Trước “Phụ nữ tân văn”, tờ “Nữ giới chung” đã là một tờ báo dành riêng cho giới nữ, và sau “Phụ nữ tân văn”, những tờ như “Phụ nữ thời đàm”, “Việt nữ”… tiếp tục một chặng đường xông pha không thể xem nhẹ: vài tờ của phụ nữ chiến đấu về chính trị mạnh mẽ đến mức đã bị nhà cầm quyền thực dân đóng cửa, như “Nữ giới chung” hay “Phụ nữ thời đàm”.