Lịch sử là một câu chuyện giật gân.
Nếu không giật gân, một sự kiện nào đó thật khó lòng có vị trí trong câu chuyện (narrative) lịch sử. Một trong những bộ sử Hy Lạp còn được đọc và nghiên cứu nhiều hiện nay là
Chiến tranh Péloponnèse của Thucydide, và rất nhiều bộ sử danh tiếng khác đều như thể khẳng định lịch sử được làm nên từ những thời khắc lớn, với rất nhiều máu và mưu mẹo, và cả tình sử thuyền quyên anh hùng. Để giữ được mức độ giật gân, rất nhiều khi có cảm tưởng như lịch sử buộc lòng phải tự làm cho mình trở nên giật gân. Đọc sách của trường phái Annales, như Georges Duby chẳng hạn, tức là trường phái đi ngược lại xu hướng chính nói trên của viết sử, quả thực là chán rất nhanh :) Lịch sử cũng tìm cách đáp ứng nhu cầu tâm lý của con người, chắc vậy.
Mà muốn giật gân hóa, ít phương pháp nào hiệu quả hơn là xây dựng huyền thoại. Dĩ nhiên huyền thoại (ở đây muốn nói là các câu chuyện có những mục đích rõ ràng về phương diện lịch sử) cũng có nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn, mang tính khách quan (side effect) như là khi Phan Huy Lê nói rõ về huyền thoại Lê Văn Tám thì người ta tức khắc sẽ đâm ra nghi ngờ những gì Viện Sử học Việt Nam nói về lịch sử, nhất là giai đoạn hiện đại.