Bắt
Trương Mỹ Lan, ‘đại gia’ liên quan Lê Thanh Hải
October 8, 2022
SÀI GÒN, Việt Nam (NV)
– Bà Trương
Mỹ Lan, 66 tuổi, người sáng lập và giữ chức chủ tịch Hội Đồng Quản Trị tập đoàn
Vạn Thịnh Phát, vừa bị Bộ Công An Việt Nam bắt giam với cáo buộc “lừa đảo chiếm
đoạt tài sản.”
Bà Lan, tên khác là
Trương Muội, được biết là “đại gia” lừng lẫy ở Sài Gòn, làm giàu nhờ “quan hệ
thân hữu” với ông Lê Thanh Hải, cựu bí thư Thành Ủy. Hầu hết các khu “đất vàng”
ở Sài Gòn đều thuộc sở hữu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bà Trương Mỹ Lan là người sáng lập và giữ chức chủ
tịch Hội Đồng Quản Trị tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Hình: Tuổi Trẻ)
Đáng lưu ý, vụ bắt giữ
bà Lan chỉ được Bộ Công An xác nhận hôm 8 Tháng Mười, trong khi mạng xã hội đã
lan truyền tin này từ hai ngày trước.
Theo báo VNExpress hôm
8 Tháng Mười, bà Lan bị bắt cùng bà Trương Huệ Vân, 34 tuổi, tổng giám đốc tập
đoàn quản lý bất động sản Windsor, và hai thuộc cấp của bà Lan là bà Nguyễn
Phương Hồng (38 tuổi, trợ lý công ty cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và ông Hồ
Bửu Phương (50 tuổi, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty cổ phần chứng khoán
Tân Việt, cựu phó tổng giám đốc phụ trách tài chính tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Bà Trương Huệ Vân là
cháu bà Lan và là vợ của nam ca nhạc sĩ Thanh Bùi.
Theo báo Thanh Niên,
bà Lan bị bắt trễ nhất là trước 2 giờ sáng 7 Tháng Mười.
“Sau khi Bộ Công An
khởi tố, bắt tạm giam nữ tỷ phú Trương Mỹ Lan, công an tiến hành khám xét nơi ở
của bà lúc 2 giờ sáng ngày 7 Tháng Mười,” báo Thanh Niên viết. “Lúc 1 giờ 48
phút sáng, tổ công tác của cơ quan tố tụng đi trên ô tô biển số xanh xuất hiện
và đi thẳng vào cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, thuộc sở hữu
công ty Vạn Thịnh Phát (tọa lạc trên đường Pasteur, Quận 3, Sài Gòn) – một căn
hộ Penthouse của cao ốc được cho là nơi ở của vợ chồng bà Lan.”
Thanh Niên viết tiếp:
“Bên ngoài, cảnh sát hình sự mặc thường phục và công an với trang phục công an
nhân dân đứng vòng ngoài quan sát, giữ an ninh trật tự để công tác thực hiện
bên trong căn nhà bà Lan được bảo đảm an toàn.”
Từ trái, bà Trương Mỹ Lan, bà Trương Huệ Vân, bà
Nguyễn Phương Hồng, và ông Hồ Bửu Phương. (Hình: Bộ Công An)
Bộ Công An cáo buộc bà
Lan cùng các đồng phạm “đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán
trái phiếu để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của người dân, trong các năm
2018-2019.”
Tin bà Lan bị bắt được
công bố trong lúc người dân Sài Gòn ùn ùn kéo nhau đi rút tiền tại ngân hàng
Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB). Theo báo Công An Nhân Dân hôm 7 Tháng Mười,
Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan “được cho là nhóm cổ đông chính của ngân
hàng SCB.”
Sáng 8 Tháng Mười, các
báo ở Việt Nam đồng loạt đăng thông báo khẩn của Ngân Hàng Nhà Nước khẳng định
“sẽ có giải pháp đảm bảo SCB hoạt động bình thường” và khuyến cáo người dân
không nên rút tiền tiết kiệm trước hạn tại SCB để ránh bị ảnh hưởng quyền lợi.”
Báo mạng của Chính Phủ
Việt Nam ngày 8 Tháng Mười còn đăng: “Ngày 7 Tháng Mười, trên mạng xã hội lan
truyền thông tin tiêu cực về SCB dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền
trước hạn. Về việc này Ngân Hàng Nhà Nước khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình
để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định
của pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định
của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.”
Hầu hết các khu “đất vàng” ở Sài Gòn đều thuộc sở
hữu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong hình là Winsor Plaza Hotel của Vạn Thịnh
Phát trên đường An Dương Vương, Quận 5, Sài Gòn. (Hình minh họa: Dân Việt)
“Ngân Hàng Nhà Nước
khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến
quyền lợi của người gửi tiền,” báo Chính Phủ viết tiếp.
Trang tin Nhà Đầu Tư
cho hay, hồi năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng chín thân nhân là Trương Lập Hưng,
Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân,
Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát, và Lâm Thị Hòa đồng loạt xin thôi quốc tịch
Việt Nam.
Tuy vậy, sau đó, bà
Lan cùng người nhà rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Trang web báo chính phủ đăng thông báo của Ngân Hàng Nhà Nước
khuyến cáo người dân không rút tiền từ SCB. (Hình: Chụp từ trang web chính phủ
Việt Nam)
Bà Lan không giải
thích về quyết định của mình. Tuy vậy, theo trang tin Nhà Đầu Tư, nếu thôi quốc
tịch Việt Nam, đồng nghĩa với việc không còn là công dân Việt Nam, bà Lan sẽ
được đối xử như một người ngoại quốc ở Việt Nam và sẽ phải tuân theo những quy
định về sở hữu tài sản bất động sản Việt Nam dành cho người ngoại quốc.
“Về quyền sở hữu tài
sản giữa công dân Việt Nam tại Việt Nam và người không mang quốc tịch Việt Nam,
có sự khác nhau khá lớn. Cụ thể, có những tài sản khi không còn là công dân
Việt Nam sẽ không còn được sở hữu nữa. Bởi vì, theo Luật Kinh Doanh Bất Động
Sản sửa đổi, người ngoại quốc có thể sở hữu nhà đất ở Việt Nam, trừ những khu vực
đất được coi là thuộc an ninh quốc phòng. Vì thế, ngay cả khi đã sở hữu số bất
động sản đó từ trước, nhưng khi không còn là công dân Việt Nam thì người đó
buộc phải từ bỏ số bất động đó. Cùng với đó, quy định về sở hữu và sử dụng đất
của người ngoại quốc tại Việt Nam cũng còn khá ngặt nghèo về các điều kiện,”
trang tin cho biết thêm.
Trụ sở tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên đường Trần
Hưng Đạo, Quận 1, Sài Gòn. (Hình: Google Map)
Theo các báo ở Việt
Nam, bà Trương Mỹ Lan, là doanh nhân, tỷ phú người Việt gốc Hoa. Chồng bà là
doanh nhân giàu có trong lĩnh vực bất động sản tại Hồng Kông.
Hồi năm 1992, bà Lan
thành lập công ty Vạn Thịnh Phát hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh
doanh nhà hàng, khách sạn, sau đó mở rộng sang kinh doanh bất động sản. (N.H.K)