Kịch bản tăng trưởng kinh tế An Giang năm 2023
26/02/2023 14:05
An Giang tiếp giáp với Vương quốc Campuchia có cửa khẩu quốc tế, quốc gia đường bộ và đường thủy, là cửa ngõ của trục Đông - Tây thông thương giữa ĐBSCL và các nước Đông Nam Á, có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ và kinh tế biên mậu. Xuất khẩu tiếp tục được tăng cường, cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng cải thiện... Đây là điều kiện khá thuận lợi để An Giang tạo đà phát triển.
Quyết tâm đạt kết quả cao nhất
Nhiệm vụ của năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp,(DN) và nhân dân. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 26/KH-UBND về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023. Trong đó, đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho từng quý để các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện với quyết tâm đạt kết quả cao nhất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH cả năm.
Theo đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển KTXH”; tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao, thực hiện chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang rau màu có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tạo nền tảng phát triển du lịch (DL), thương mại và dịch vụ. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho DN và nhà đầu tư. Chủ động hợp tác, liên kết vùng, phát huy thế mạnh của tỉnh.
Nhằm thực hiện đạt kịch bản phát triển KTXH năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời tham mưu UBND tỉnh có chính sách, giải pháp phù hợp. Chủ trì thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực. Phổ biến chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN, HTX, tổ hợp tác đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Triển khai chương trình tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025; kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đề án sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản trên sông; nâng cao hiệu quả hoạt động tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp huyện, xã… Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trên cây màu và rau dưa, chăn nuôi gia cầm, gia súc… Xác lập vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phù hợp.
Nhiệm vụ cụ thể
Sở Công Thương tạo điều kiện thuận lợi cho DN tổ chức lại sản xuất, tháo gỡ khó khăn, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhất là thủ tục đầu tư; phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo. Tăng cường mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại; xây dựng kế hoạch xuất, nhập khẩu hàng hóa; hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa.
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt 42%; phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng khu vực xây dựng. Phát triển hệ thống đô thị đến năm 2023, toàn tỉnh có 24 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 14 đô thị loại V. Triển khai phát triển nhà ở; nghiên cứu các cơ chế thu hút đầu tư vào các khu đô thị mới, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật đô thị; thực hiện có hiệu quả phần mềm quản lý thông tin về thị trường bất động sản.
Sở Giao thông vận tải tập trung chuẩn bị thực hiện Dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự kiến khởi công ngày 30/6/2023). Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với hạ tầng các khu, điểm DL. Duy tu sửa chữa các tuyến đường; nâng cấp các tuyến đường tỉnh phục vụ DL và phát triển KTXH. Sở Thông tin và Truyền thông đầu tư phát triển hạ tầng bưu chính, tăng trưởng duy trì trên 30%; tập trung 3 lĩnh vực: Logistics, thương mại điện tử, dịch vụ công. Triển khai các dịch vụ chuyển đổi số, phát triển hạ tầng viễn thông ngầm khu đô thị...
Với mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách đến tham quan, DL, tổng doanh thu từ hoạt động DL 5.500 tỷ đồng, UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và DL, tạo sản phẩm và sự kiện điểm nhấn thu hút DL. Đổi mới các hoạt động văn hóa, sự kiện ngoài trời có quy mô, tính chất lan tỏa thu hút người dân, du khách đến với An Giang.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung chuẩn bị tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư (tháng 8/2023); triển khai xúc tiến đầu tư, phát triển DN và hỗ trợ DN liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với DN FDI. Các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển KTXH với quyết tâm đạt kết quả cao nhất.
“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hơn nữa thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả (tập trung mặt hàng thủy sản, rau quả, trái cây...) gắn với tổ chức lại liên kết sản xuất, kinh tế hợp tác và HTX trong nông nghiệp. Tháo gỡ vướng mắc triển khai nhanh các dự án đầu tư nông nghiệp trọng điểm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… để ngành nông nghiệp phát triển vững chắc và tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh”- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị..
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tân Châu trao quyết định công tác cán bộ
Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết và Lễ hội Xuân 2025
Nâng cao năng lực pháp luật cho đội ngũ doanh nhân trẻ
Bắt quả tang 4 đối tượng mua bán trái phép chất ma túy
Chấm điểm cuộc thi bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện thân thiện, xanh, sạch, đẹp
Hành động vì một ĐBSCL xanh, hiện đại hơn
Nơi lưu dấu khí tiết hào hùng của tiền nhân
Chiều trên núi Cấm
Xã hội hóa trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Thành tựu hôm nay, khởi sắc ngày mai