QĐND - Bộ râu quai nón rậm rạp hung tợn, đôi mắt sắc lẻm như dao, những xúc cảm khó đoán trên khuôn mặt… chừng đó thôi đã đủ khiến những nhân vật phản diện do Hai Nhất thủ vai làm khán giả “ghét cay ghét đắng”. Thế nhưng, ít ai biết rằng “người chuyên đóng vai ác” đã từng rất thành công khi đóng vai chính diện, đặc biệt là hình tượng anh bộ đội. Thời gian đã lấy đi nét trai trẻ nhưng vẫn còn đó một Hai Nhất đầy chất lính…

Một lần làm… anh hùng quân đội

Đối diện tôi bây giờ, Ba Cẩn gian manh trong “Biệt động Sài Gòn” ngày nào giờ đã 67 tuổi. Bộ râu quai nón đã không còn. Nhưng đôi mắt xưa thì vẫn đó. Đôi mắt sắc lẻm và lạnh lùng làm người khác rợn tóc gáy trên phim lại hiền hòa, mang chút sầu ưu ở ngoài đời. Hai Nhất hiền lành, không thích chốn ồn ào và phô trương. Bởi thế mà ông sống lặng lẽ, yên bình với các con trong ngôi nhà ở quận 7. Sau Bảy Xoài trong phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn”, Hai Nhất không nhận lời đóng phim nào nữa. Ông bảo phải xem vai nào ấn tượng thì ông mới đóng.

Nghệ sĩ Hai Nhất tháng 2-2013. Ảnh: QUỲNH NGA.

Cuối năm 2011, vai Bảy Xoài đã đem về cho Hai Nhất giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất” tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31. Hôm lễ trao giải diễn ra, xem tivi, ông mới biết là mình được giải. Cái tên Hai Nhất vừa được xướng lên, ông nghe mà không tin vào tai mình. Chỉ đến khi bạn bè gọi điện chúc mừng, ông mới vỡ òa hạnh phúc, vừa nhảy vừa hò reo như một đứa trẻ. Sao không vui mừng cho được khi với Hai Nhất, đó được xem như sự quay trở lại đầy táo bạo của ông sao bao nhiêu năm “gác kiếm”. Bộ phim mà khi bị bệnh rối loạn tiền đình nặng ông cũng phải gượng dậy, cố làm việc để kịp tiến độ. Nhân vật Bảy Xoài lấy nguyên mẫu từ trùm xã hội đen Năm Cam đã được đạo diễn Long Vân “đo ni đóng giày” cho Hai Nhất. Và cũng vì cái ân tình với người bạn tri kỷ này mà ông quay trở lại màn ảnh. Sự thành công của vai diễn khiến cho ông đi đâu, gặp ai người ta cũng vỗ vai, bắt tay gọi ông là Bảy Xoài, là “Ông trùm”. Lúc đó ông mới thở phào khi đã thoát ra cái bóng Ba Cẩn của chính mình. Ông bảo, bây giờ ông lại tạm “gác kiếm”.

Đến nay Hai Nhất đã tham gia hơn 100 phim, phần lớn là vai phản diện. Bởi theo ông, đó là những vai khó đóng, có cá tính, số phận và đặc biệt gây ấn tượng mạnh trong lòng khán giả, mặc dù nó cũng gây bao chuyện dở khóc dở cười. Còn lần đóng vai tên cướp Quảng Nhọn vằn vện đầy người trong phim “Người không mang họ”, người dân cứ tưởng ông là tay ăn cướp thứ thiệt. Thế nên ai cũng khư khư giữ đồ của mình khi thấy “tay” này đi ngang qua. Trong các bộ phim về đề tài chiến tranh ông hay được các đạo diễn “bắt” vào vai những tên sĩ quan ngụy ác ôn. Hai Nhất kể, có lần ông mặc đồ rằn ri, diễn cảnh đàn áp Việt cộng ở miền Tây. Hôm đó con nít xúm lại xem rất đông. Đạo diễn hô diễn, vừa thấy ông lừ mắt quát mấy thằng lính, túm tóc “Việt cộng”, bọn con nít đã khóc thét làm náo loạn. Báo hại cả đoàn làm phim phải mất thời gian vận động phụ huynh đem con em mình về nhà. Lần khác, ông vào vai tên chỉ huy ác ôn của huyện Bình Đại, Bến Tre đi lùng bắt nữ tướng Nguyễn Thị Định. Bối cảnh đàn áp dân chúng biểu tình đã đâu vào đấy, loa báo “Hai Nhất chuẩn bị, đoàn xe chuẩn bị, diễn”. Khi chiếc xe jeep chở Hai Nhất cùng đoàn xe tăng, thiết giáp vừa lăn bánh được một đoạn thì phía trước bỗng bụi tung mù mịt. Mọi người hoảng hồn nhìn nhau thì trợ lý đạo diễn hét to: “Dân đấy, nghe có Hai Nhất đóng vai ác ôn nên dân họ nhào ra coi”.

Diễn viên Hai Nhất (bên phải) trong bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng “Biệt động Sài Gòn”. Ảnh do nhân vật cung cấp.

“Cứ tưởng cái tạng của tôi suốt đời phải vào vai phản diện, nhưng may mắn là tôi đã có được một vai chính diện để đời, đó là vai Đại úy Ba Dừa, anh hùng liệt sĩ của tỉnh Khánh Hòa trong phim “Nhiệm vụ hoa hồng” của cố đạo diễn Hồng Sến, quay cuối thập niên 80. Đó cũng là vai diễn người chiến sĩ anh hùng đầu tiên và có lẽ là duy nhất mà tôi đóng.” – Hai Nhất tâm sự.

“Nhiệm vụ hoa hồng” kể về nhiệm vụ tấn công TP Nha Trang do Đại úy Ba Dừa chỉ huy trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tuy nhiên nhiệm vụ này thất bại do có kẻ phản bội, Đại úy Ba Dừa và các đồng chí của mình đã chiến đấu, hy sinh ngoan cường trong gọng kìm bao vây dày đặc của quân địch. Nhận vai, đối với Hai Nhất đây là một vinh dự nhưng cũng là một áp lực to lớn. Ông trằn trọc suy nghĩ nhiều đêm liền để tìm ra cách thể hiện khí phách, bản lĩnh ngoan cường của người anh hùng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ sáng ngời trong gian khổ chiến tranh. Bối cảnh của bộ phim quay tại Hòn Chồng, Nha Trang. Quần áo đẫm máu và vết đạn, các diễn viên trong phim phải ẩn náu trong hang để diễn xuất gần cả tháng trời. Hai Nhất cười, kể: “Có phân cảnh các chiến sĩ trườn bò ra khỏi hang. Vừa nghe diễn, tôi bò trước, các anh em bò theo sau. Tiếng máy quay rè rè di chuyển sau lưng. Cái tiếng đó như ngầm ý của đạo diễn, nếu nó im bặt nghĩa là hỏng, phải diễn lại, còn nếu nó còn rè rè bên tai nghĩa là “các anh đóng đạt lắm, tiếp tục đi”. Tôi nghe thấy cái tiếng đó thì yên tâm lắm. Nhưng mới bò được một lúc thì tôi ngửi thấy mùi thôi thối. Tiến gần thì phát hiện một… bãi phân, mùi xú uế nồng nặc. Nhưng chẳng lẽ phải dừng lại. Nếu vậy thì hỏng cả đoạn phim mất công quay nãy giờ. Mà ngày ấy để quay được một đoạn phim rất khó khăn và tốn kém. Do đó gần như phải đóng đạt. Nghĩ vậy nên tôi đánh liều bò qua. Đến khi bò ra khỏi hang thì mấy anh em nằm vật ra mà thở. Máy quay lướt ngang trên bụng nên máu và phân be bét trên áo cũng được ghi hình rõ mồn một. Vì đã vào phim, để đảm bảo chiếc áo của cảnh trước không khác cảnh sau nên quần áo phải để nguyên không được giặt. Diễn xong thì cởi ra, khi nào diễn thì mặc vào. Nhưng với cái áo của tôi thì mấy anh chị phục trang vừa than, vừa cười: “Anh ơi, anh hại chúng em rồi”. Mình cũng thương họ nên dù cái áo hôi hám không chịu nổi nhưng cũng để vậy mặc luôn cả tháng liền”.

Một buổi sáng, khi Hai Nhất còn say giấc tại nhà khách Tỉnh ủy thì đạo diễn Hồng Sến gọi điện giục ông dậy. Ông uể oải bước ra ban công, lơ đễnh nhìn xuống theo lời vị đạo diễn. Hai Nhất ngạc nhiên dụi mắt: Hàng ngàn em học sinh quần tây, áo trắng tập trung đông kín đường vào nhà khách. Như đoán biết trước sự ngạc nhiên của ông bạn, đạo diễn Hồng Sến cười khà khà trong điện thoại: “Cậu nhanh chóng rửa mặt, thay quần áo rồi xuống phòng bảo vệ ngay. Mấy em học sinh đến xin chữ ký đó”.

Hóa ra, biết Hai Nhất đóng vai anh hùng Ba Dừa của tỉnh nhà, các trường phát động phong trào xin chữ ký của diễn viên này. Đó xem như một cách khơi dậy tinh thần tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương cho học sinh. Cả ngày hôm đó, đoàn phải hoãn lại buổi quay để diễn viên chính cho chữ ký. Cả buổi sáng Hai Nhất ký tặng vào cuốn tập học trò của từng em mỏi nhừ cả tay. Nhưng thấy các em càng lúc càng đông, nguy cơ ký không hết nên Hai Nhất đề nghị với các thầy cô, mỗi lớp chỉ nên xin một chữ ký. Phải cho chữ ký bất đắc dĩ mệt phờ nhưng Hai Nhất lại thấy một niềm xúc động đang dâng tràn trong lòng mình.

Đời quân ngũ thiêng liêng

Nhắc đến vai người chiến sĩ anh hùng, Hai Nhất nhớ đến những tháng năm quân ngũ, làm anh văn công trong đội văn nghệ không chuyên của Trung đòan 50, Sư đoàn 350, Quân khu Tả Ngạn. Tám năm mặc quân phục đã cho ông vốn liếng để bước chân vào nghiệp diễn xuất. Hai Nhất tên thật là Nguyễn Mai A, sinh ra ở vùng đất Ninh Bình, từ nhỏ đã ham ca hát và có khiếu văn nghệ. Cuộc sống tuổi ấu thơ của ông cơ cực bữa đói bữa no trong gia đình 9 anh chị em.

Hai Nhất (Nguyễn Mai A) nhập ngũ năm 1967. Vốn có năng khiếu văn nghệ nên ông được biên chế ngay vào đội văn công. Nguyễn Mai A học rất nhanh và chơi được hầu hết các loại nhạc cụ như đàn nhị, đàn ghi ta, đàn bầu, sáo, trống và có khiếu diễn xuất trong các vở kịch chèo và kịch nói. Ông không giỏi, mỗi thứ biết một chút gọi là “đủ xài”. Có Mai A, đoàn văn công tươi vui và hoạt náo hẳn lên. Phục vụ đoàn văn công, đối mặt với những khó khăn gian khổ của người lính, miếng cơm manh áo nhường sẻ cho nhau. “Đến giờ tôi vẫn không quên những buổi biểu diễn cùng các anh em chiến sĩ quây quần bên nhau đàn hát, người gõ thìa, người đàn ghi ta, người vỗ tay. Các tiết mục cây nhà lá vườn thôi nhưng ấm áp tinh thần đồng đội. Rảnh rỗi các anh chị trong đoàn văn công lại dạy tôi biết thêm các ngón đàn, bài hát, kinh nghiệm diễn xuất”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hai Nhất vào sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh. Những ngón nghề của thời quân ngũ đã giúp ông trở thành diễn viên của hãng phim Tổng hợp (nay là Hãng phim Giải Phóng), làm nên một Hai Nhất nổi danh của điện ảnh cách mạng và một Hai Nhất U.70 của hôm nay. Với ông, những năm tháng quân ngũ là một quãng đời thiêng liêng…

QUỲNH NGA