Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

TỄU ĐEO KÍNH ĐI HỌP LÀNG

        
           Tễu đeo kính, ngắm nghía trước gương, vuốt tóc rồi mỉm cười nói với vợ:
          - Cái lão Azít nê xin thế mà hóm. Anh chàng hàng thịt trán hói, bụng phệ đeo mắt kính vào cứ tưởng là giáo sư.
Thị Mơ nhìn Tễu, nói:
          - Nhà thay cái quần cho tôi, có ai áo trắng cổ cồn mà lại đóng thùng với cái quần bộ đội rách gối!
          - Mốt đấy mình ạ, ngày xưa áo quần rách thì thẹn đỏ mặt. Giờ, quần mới đám thanh niên chúng nó mài cho rách ra. Với lại tôi mặc thế này là ẩn ý đấy.
 Thị Mơ nguýt:
          - Ẩn ý cái gì, người ta cười cho thối mũi!
          - Trạch Văn Đoành để tóc “tiền văn minh hậu nhà sư” nghĩa là trước đối với đời, sau đối với mình. Còn tôi áo cổ cồn đeo kính nghĩa là nửa trên trí thức, mặc quần rách là nửa dưới chân quê. Chân quê vươn lên trí thức hay trí thức nửa mùa chưa thoát chân quê…
          - Ôi dào! Nhà bao giờ cũng lí luận. Mà họp làng mang mắt kính làm gì?
          - Mình không biết đấy thôi, hôm nay dán danh sách ứng cử bầu Hội đồng nhân dân, không mang kính thì sao đọc.
          - Đọc danh sách hay đọc lỗ quần thủng mấy con chanh cốm đấy?
Thị Mơ ra vẻ nghiêm trang, Tễu cười:
          - Cả hai!
Với cái quạt mo trên nóc tủ, nháy mắt với vợ, vừa bước ra cửa vừa hát chèo câu thơ vận động bầu cử của Bút Tre: “ Ta đi..(mà) bầu cử…ư…ư tự do…Chọn người…(mà) xứng đáng…í…i…i… ta cho…vào hòm…hi…hỉ…hì…hi…”

          Tễu đến hội trường ủy ban bà con đã đông đủ cả.
          - Lần đầu tiên mới thấy chú Tễu đi trễ đấy. Ông Mừng có ý chọc.
          - Không đúng đâu, tại bà con ta đi sớm đó thôi. Tễu phản pháo.
          - Úi giờ ơi! Mắt kính sáng, áo trắng cổ cồn là, cứ như giáo sư trường đại học. Cô Màu đá đểu.
          - Dưng mà cái quần rách vẫn là nông dân.
Ai cũng bật cười với sự thật thà của Bờm.
          - Thôi! Bà con yên lặng, chúng ta bắt đầu làm việc được chưa?
Ngưng một chút, quan sát khắp lượt, ông Chủ tịch Mặt trận xã hắng giọng:
          - E hèm, hôm nay mời bà con họp để thông qua danh sách đề cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện…Tiêu chuẩn người được bầu vào Hội đồng là những người trung thành với tổ quốc, không tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức quyền…
Ông ta nói không vấy váp, đều đều như người ta đọc kinh, đến là buồn ngủ. Cô Màu kéo áo ông Mừng, nói nhỏ:
          - Hình như ông này đọc thuộc lòng. Khiếp, dài như thế mà thuộc được. Hồi em đi học, có mấy câu ca dao mà tụng mấy buổi mà không thuộc vẫn không thuộc.
Bờm bàn góp:
          - Là do chị không đeo kính!
Màu ngạc nhiên:
          - Học không thuộc bài liên quan gì đến kính, cái thằng này?
          - Có kính nhìn mới rõ, mới tập trung. Chị không thấy học sinh giờ đứa nào học giỏi cũng mang kính đấy thôi.
Tễu cười, chọc ngoáy cô Màu:
          - Không phải đâu Bờm ạ, kính của cô Màu phải là kính đặc biệt, nhìn vào chỉ thấy chữ, không thấy trai thì mới học được.
Màu quay xuống, đấm mấy cái vào ngực Tễu:
          - Chỉ được cái nói đúng. Tại Tễu không thích Màu nên Màu phải nhìn nhiều trai để tìm ra người giống Tễu.
Bờm nói với ông Mừng:
          - Chị Màu đấm vào ngực chú Tễu không sao, chú Tễu mà vỗ vào ngực chị Màu thì bị cho là sàm sỡ, không bình đẳng chút nào cả.
Chỉ mình Bờm không cười, Màu cười thành tiếng:
          - Hơ..hơ…như vậy mới gọi là đặc quyền của phụ nữ. Muốn được như thế kiếp sau Bờm làm phụ nữ đi.
          - Chả dại, đẻ con đau lắm!
Tiếng cười vang hội trường, ông chủ tịch mặt trận trân lặng, ngơ ngác. Tay Bằng – trưởng công an xã gõ dùi cui xuống bàn:
          - Trật tự, trật tự, yêu cầu bà con giữ gìn trật tự lắng nghe, người nói phải có người nghe chứ!
Hội trường lặng di được một chút rồi lại rì rầm tiếng kháo chuyện. Nào chuyện trưởng thôn mất gà, chuyện cán bộ xã chỉ đạo các ban thôn mượn trâu bò, ti vi hộ giàu đem đến hộ nghèo đợt cấp trên về kiểm tra để đạt thành tích xóa nghèo, chuyện vợ phó chủ tịch giật hụi…Người ta không mấy lắng nghe về điều kiện, tiêu chuẩn người ứng cử. Bầu cử cái gì chả thế. Không tin, hỏi một đứa học sinh lớp 5 nó cũng nói rành rẽ cho mà xem.
          Rồi việc triển khai, quán triệt cũng xong, chuyển sang việc lấy ý kiến đánh giá đại biểu. Cứ tưởng như kì trước, bà con không mấy quan tâm, xập xị xập ngậu cho qua nhưng lần này lại khác.
          - Ông Chủ tịch cho tui hỏi, cái nhà cô Diệu Ly tự ứng cử hay ai đề cử? Bà Ngoan cất tiếng.
          - Là Ban chấp hành Hội phụ nữ đề cử. Ông Chủ tịch mặt trận trả lời.
          - Không được, nhà cô này trước đây làm kế toán trưởng ủy ban, gian lận tham ô mới chuyển sang đoàn thể làm phó chủ tịch Hội. Bà chủ tịch nghỉ hưu, thế là mặc nhiên làm Chủ tịch.
          - Không được thì đề cử ai? Ông Chủ tịch vặn lại. Chẳng lẽ Hội phụ nữ không có đại biểu?
          - Ông Hiệu trưởng trường tiểu học cũng không được - Bờm lên tiếng, anh tôi phải biếu cặp gà Đông Tảo và cái phong bì đựng bao nhiêu tiền tui không rõ, ông ta mới cho cu Bi – cháu tui nhập học, nói trái tuyến.
Người ta đua nhau nói, bình phẩm, kể tội. Mười hai ông bà có tên trong danh sách thì người ta đưa ra tới tám vị bàn cãi, ồn ào như chợ phiên chính. Tay Bằng đâp dùi cui xuống bàn, hét:
          - Trật tự, trật tự, yêu cầu bà con trật tự. Đừng có mà nhao lên như vậy. Từng người một phát biểu!
          Chỉ còn tiếng lào thào. Tễu giơ tay xin phát biểu. Ông Chủ tịch gật đầu, Tễu nói:
          - Con người ta ai không có khuyết điểm, sai lầm. Khuyết điểm, sai lầm mà sửa là tiến bộ, bà con không đồng ý thì đề cử người thay thế hoặc đề cử thêm, có đúng không ông Chủ tịch?
          - Đúng lắm, đúng lắm, ý kiến của anh Tễu hết sức xây dựng.
Tễu định nhân cơ hội đó đề cử cậu Hưng – chủ trang trại chăn nuôi thành đạt, luôn giúp đỡ bà con thì bà Ngoan đứng phắt dậy:
          - Ai cũng được nhưng cái nhà cô Diệu Ly tui không đồng ý!
          - Là ý kiến riêng của bà, ý kiến cá nhân không thay đổi được quyết định nhân sự. Ông Chủ tịch phản bác. Bà Ngoan cũng không vừa:
          - Sao không lấy biểu quyết, có biểu quyết mới biết đây có phải là ý kiến cá nhân tui hay không chứ!
Tay Bằng nói nhỏ với ông Chủ tịch:
          - Mụ này chắc có thù hằn gì với Diệu Ly đây.
Ông Chủ tịch lau mắt kính, trong đầu ông thoáng nhớ lại lời hứa với bí thư Châu: “Nhất định việc thông qua đề án nhân sự ổn thỏa”. Ông tìm cách hoãn binh:
          - Biểu quyết thì cũng là ý kiến tham khảo thôi, chúng tôi cần có ý kiến chỉ đạo của trên.
Hội trường lại nhao nhao, người ta bàn tán nói như ông Chủ tịch thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả, mất thì giờ. Tễu nghĩ cứ cái kiểu này lại phải họp lại, phải bàn cho đến khi bà con xuôi nhưng thực chất là đồng ý cho xong chuyện mới thôi, nên Tễu đứng lên nói lớn:
          - Tui đề nghị giải lao một lát để ông Chủ tịch mặt trận xin ý kiến chỉ đạo. Một lần họp mất cả buổi làm, lần sau mà như thế này nữa bà con không đi cán bộ đừng nói là không có tinh thần xây dựng. Nước không có, đất há mồm ngoài đồng kia kìa.
Tiếng vỗ tay vang lên, không ai bảo ai, tất cả đứng dậy tản ra sân, tụm năm tụm ba dưới bóng mấy cây sanh trò chuyện. Tễu, Màu và ông Mừng xem trích ngang lý lịch đại biểu. Màu lắc đầu:
- Mấy ông bà này mà trúng cử thì cũng là nghị gật cả thôi!
- Vậy sao Màu không ứng cử? Tễu chọc.
-  Đừng ấn định danh sách trước, cứ để bà con đề cử thử xem, có thua chỉ thua cậu Hưng chủ trang trại với anh thôi. Dưng mà không có số làm quan thì đừng mơ tưởng cho nặng đầu. Hay anh Tễu “muốn ăn gắp bỏ cho người” đấy? Màu trả treo - hèn gì hôm nay đóng bộ cánh “mông trở xuống nông dân ngang thân trở lên trí thức”.
Đúng là hòn bấc ném đi hòn chì ném lại, chỉ vì cái miệng sắc lẹm mà ngày xưa Tễu không chợn Màu.
- Đoàn thể hay cá nhân đề cử tay trưởng phòng nông nghiệp một là đui hai là bà con, phe cánh với bí thư Châu. Ông Mừng thở dài.
Câu nói của ông Mừng là cái phao cứu sinh cho Tễu khi chưa biết đối đáp lại với Màu sao cho xứng:
- Thằng này gọi bí thư Châu bằng cậu, trước đây học Trung cấp nông lâm, về huyện làm chưa được nửa năm lại được cho đi học Đại học tại chức. Sau này học hành thế nào không rõ chứ hồi học cấp 3 là học sinh cá biệt, ăn chơi lêu lổng, nửa học kì I bỏ học. Năm sau, ông cậu ép học bổ túc, cũng phải mất hai kì thi mới có được mảnh bằng tốt nghiệp…
- Anh Tễu sao rành quá vậy?
- Anh bạn dạy cấp 3 trong thị trấn kể.
- Hèn gì cả nhiệm kì qua làm việc gì cũng hỏng, chủ dự án bê tông hóa kênh mương nội đồng, nước chảy ngược mà vẫn nghiệm thu được, thế thì thánh thật!
- Tiếc cho anh Nhân trưởng phòng cũ. Tài năng, đức độ, gần dân thế mà lại được phán cho cái tội thiếu trách nhiệm, điều đi làm phó phòng Văn hóa – Thông tin.
- Nghệ thuật sắp đặt cả thôi, anh Mừng à. Không thế, lấy ghế đâu cho thằng cháu bí thư Châu ngồi. Bây giờ lại đề cử vào Hội đồng nhân dân, trúng cử leo lên chức phó Chủ tịch huyện chưa biết chừng.
Lâu nay Tễu nghĩ những người như Màu, anh Mừng và cả thằng Bờm nữa không mấy quan tâm đến chính trị, hóa ra không phải mà không buồn nói ra mà thôi. Những vị cán bộ đặt quyền lợi của gia đình, họ tộc trên quyền lợi cộng đồng, địa phương, bởi thế “đày tớ nhân dân’ bây giờ nhà cao cửa rộng, miếng ngon vật lạ, còn “ông chủ” như Bờm, như Tễu…quanh năm đầu tắt mặt tối may ra vợ con mới khỏi đói. Tỷ như đám ruộng gần trường cấp 2 của ông Mừng, Bờm và bảy hộ nông dân khác được huyện qui hoạch làm chợ. Đền bù, nâng mặt bằng xong lại nói là hẹp, không phù hợp, gần trường học nên chuyển đổi thành khu sinh hoạt văn hóa. Ngân sách huyện không đủ chi hoạt động lấy đâu mà xây dựng. Xin kinh phí trên không được duyệt, để thì mang tiếng là dự án treo nên phân lô ra bán đất thổ cư. Biết là đắc địa nhưng nông dân ai có tiền mà mua? Rốt cục lại vào tay mấy ông cán bộ. Nghe đâu khi bán họ có tổ chức đấu thầu nhưng hồ sơ dự thầu từ khi ra thông báo đến khi chốt lại chỉ có hai ngày. Mụ Tư Béo, chủ quán bún đối diện ủy ban, làm hồ sơ, chờ được con dấu mất ngày rưỡi. Lên huyện, vòng vèo hỏi mãi người ta mới chỉ cho nơi tiếp nhận hồ sơ. Cô văn thư lật đi lật lại xem kĩ nội dung, chữ kí, con dấu, tưởng xong việc, ai dè cô ta phán: “Bà còn thiếu giấy đăng kí kết hôn”. Mụ Tư Béo nhẹ nhàng: “Có ai nói với tui điều đó đâu, với lại trong hộ khẩu có tên ông nhà tôi đó thôi”. “Ai mà biết được ông bà còn sống chung hay đã li dị, thôi bà cầm về bổ sung, hồ sơ đầy đủ tôi mới nhận”. Biết không đấu thầu được, mụ Tư Béo chửi: “Cha tiên nhân chúng mày, cứ im lặng nuốt với nhau cho xong, bày vẽ công khai minh bạch, bạch cái đách thì có”. Tính ra một sào ruộng đền bù chưa đầy năm triệu bạc, nâng đất hêt cút 20 triệu, thế mà bán mỗi lô 100 mét vuông trăm rưỡi triệu. Vậy là chính quyền kiếm được một khoản thu kha khá, cán bộ có đất, có tiền. Lão Sung chủ tịch xã đấu thầu được hai lô, sang nhượng lại cho mụ Tư Béo một lô giá ba trăm tám chục triệu…
- Gì mà thần người ra thế, loa kêu họp rồi. Màu kéo tay Tễu.

- Xin bà con yên lặng, chúng ta tiếp tục! Ông Chủ tịch vừa nói vừa lấy kính ra đeo. Mắt kính nhỏ, mặt lại đầy thịt, bóng láng nên trông cứ như tròn hơn. Cứ sau mỗi câu ông ta lại phẩy tay một cái như đánh nhịp, đầu nghiêng về bên phải. Bà con quá quen với điệu bộ diễn thuyết giống con lật đật của ông nên chẳng ai cười.
- Vừa nãy chúng tôi xin ý kiến lãnh đạo, nói tóm lại thế này: tổ chức nào đề cử theo tổ chức ấy, đúng tiêu chí, độ tuổi, trình độ…Bà con ta không nhất trí đại biểu nào thì ý kiến, đề cử đại biểu phải đúng tầm, đúng yêu cầu…người được đề cử mới ở cấp nào phải đến mặt trận cấp đó làm hồ sơ lý lịch, viết đơn ứng cử…nếu đạt yêu cầu thì đưa vào hiệp thương chốt danh sách, rồi đưa ra hội nghị lấy ý kiến như hôm nay…Nhưng mà, tôi nói lại, ý kiến chúng ta chỉ mang tính tham khảo thôi, bởi vì hội nghị này là của riêng làng ta, không phải là ý kiến của cả xã, cả huyện.
Tiếng xì xầm lại nổi lên, người ta thấy đại biểu không xứng tầm tính đưa ra thay ứng cử viên khác, nhưng như ông Chủ tịch mặt trận nói đề cử mới lại chỉ để tham khảo? Người ta tán dương ý kiến Tễu “không ai không có khuyết điểm” để lấp liếm, bảo vệ con mẹ Diệu Ly, thằng cháu bí thư Châu, ông hiệu trưởng trường tiểu học - anh em thúc bá với phó chủ tịch huyện…Ý của Tễu rào trước đón sau để đề cử Hưng, sợ người ta bảo anh sử dụng đất sai mục đích để lấy cớ từ chối… Mà cũng thật lạ, vừa thu thuế đất sản xuất nông nghiệp lại thu cả thuế trang trại nữa, hỏi Hưng, cậu ta cười, nói vẫn biết xã thu thế là sai nhưng cũng không đáng là bao, cứ coi như đóng góp cho địa phương một chút cũng được. Cứ như cách nói của ông Chủ tịch thì mình có muốn cũng gian nan lắm. Mà sao người ta không phân bổ  số lượng đại biểu được đề cử xuống cho bà con đề cử, sau đó tổng hợp, chốt danh sách dự bầu? Có như vậy mới thật sự dân chủ, mới vì sự phát triển của xã hội…cách làm hiện tại là “ý Đảng lòng dân”, giá như đổi lại “lòng dân ý Đảng” thì hay biết mấy…
- Ông Chủ tịch cho tui hỏi bầu Hội đồng nhân dân là để làm gì? Tiếng thằng Bờm át tiếng bàn tán xì xầm.
Tay Bằng nện dùi cui xuống bàn, nhìn Bờm với ánh mắt lườm lườm:
- Đây là hội nghị, đừng giỡn mặt nghe!
Thằng Bờm vặc lại:
          - Thưa ông cán bộ Bằng, tui không hiểu thì tui hỏi, cũng giống như ông không hiểu bài toán hồi thi tốt nghiệp tiểu học thì vừa cóp pi vừa hỏi tui ấy mà.
Tay Bằng tái mặt, má giật giật. Màu nháy mắt với Tễu, cười: “Được lắm, ngang với Bờm ngày xưa, phải không anh?”. Ông Chủ tịch vội giải thích để giảm nhiệt căng thẳng:
          - Tôi xin nhắc lại cho bà con rõ: Hội đồng nhân dân là để giám sát hoạt động của chính quyền, quyết định những việc lớn theo cấp hội đồng…
Bờm đứng dậy, rành rọt từng tiếng:
          - Thưa bà con, thưa ông Chủ tịch! Xem lại danh sách đề cử Hội đồng nhân dân hai cấp, 12 vị đại biểu là 12 vị cán bộ cả. Vậy nên tui nghĩ rằng đây là hội đồng cán bộ chứ không phải là Hội đồng nhân dân!...
          Hội trường im lặng như không hề có người. Sự thật hiển nhiên phơi bày trước mắt vậy mà đi tranh cãi đâu đâu. Tễu tháo kính cho vào túi, đứng dậy:
          - Bờm nói đúng, tôi nghĩ hội nghị hôm nay lãng phí công sức bà con rồi. Thiết nghĩ, ông Chủ tịch nên báo cáo lại ý kiến của Bờm và có lẽ đó cũng là ý kiến của bà con lên cấp trên đi nhé!
          Mọi người đứng lên. Tễu bước ra cửa, quạt mo che đầu. Mới đầu hạ mà nắng lóa cả mắt.

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

KHÁT

          Buổi sáng, cát dịu, ít lún nên hắn đi được khá xa. Cứ theo hướng mặt trời mà đi, thế nào cũng gặp được Nàng. Nàng nói thế và hắn tin thế.
          Mặt trời mỗi lúc một tỏa nắng gay gắt. Cát lún hơn, đôi chân bắt đầu có cảm giác nặng nề. Cái ba lô hình như càng lúc càng nặng. Mỗi bước đi cả chục giọt mồ hôi đổ xuống. Khát! Hắn mở chai nước, tu một hơi. Dịu cơn khát, vừa bước hắn vừa nghĩ: “Ê Dốp quá khôn, nhận mang lương thực, ban đầu nặng, sau mỗi bữa, mỗi quãng đường gánh nặng lại nhẹ đi”.
          Mặt trời ở đỉnh đầu. Chai nước cũng đã hết. Đầu hắn cứ ong ong, mắt hoa lên, chân tay rã rời. Có lẽ đói. Đúng rồi, bình thường giờ này hắn đã ăn xong, nằm ghế xích đu, bật ti vi xem mấy cô nàng nhảy nhót, uốn éo hơn là nghe lời hát. Những bài hát nhạt nhẽo, chỉ mấy câu vô hồn vô nghĩa lặp đi lặp lại tiếng được tiếng mất giữa nền nhạc giậm giật, điên loạn, xô bồ. Miếng bánh mì nuốt vào càng làm cho hắn có cảm giác khát hơn. Đành mở chai nước thứ hai. Lần này hắn uống từng ngụm nhỏ. Không biết đường còn bao xa nữa, phải tiết kiệm, hắn nghĩ thế. Rồi hắn ước ao có đám mây che mặt trời đáng ghét kia. Cái ba lô và khẩu súng quái ác trên vai như cố nhấn hắn xuống cát. Hắn chợt nhớ một ai đó đã nói muốn đến đích nhanh phải bỏ đi những cái gì không cần thiết. Khẩu súng để làm gì nhỉ? Không có khẩu súng Nàng cũng biết hắn là chiến binh thực thụ rồi. Cắm khẩu súng xuống cát hắn cảm thấy thoải mái hơn một tí.
          Bây giờ thì mặt trời cứ thẳng mặt hắn mà chiếu. Cát chói lóa cả mắt. Sa mạc mênh mông rực lên như một tấm gương khổng lồ. Tất cả một màu trắng nắng. Nóng quá. Chân hắn rút không lên nữa. Mồ hôi rin rỉn không thành giọt trong lớp áo quần khô khốc ráp rúa. Hắn cảm thấy da mặt, mu bàn tay đang căng ra, rân rân, cổ họng rát, không còn nước bọt để mà nuốt. Dù cố gắng tiết kiệm nhưng chai nước thứ hai – chai nước cuối cùng, hắn đã uống hết hơn hai tiếng đồng hồ rồi. Trời ơi! Ước gì trời đổ cơn mưa. Mắt hắn nhắm lại, không muốn nhớ một cái gì nữa, ước gì lúc này hắn chưa bước chân vào sa mạc rồi lại ước cơn mưa hay gặp được ốc đảo của Nàng. Đầu hắn chỉ quẩn quanh những điều ước: chưa vào sa mạc – cơn mưa - ốc đảo…Rồi hắn khụy xuống, chỉ mang máng hành động theo bản năng: gối đầu lên ba lô rỗng sau khi lấy tập thơ che mặt.
          Hắn không muốn nghĩ nữa, không muốn ước muốn nữa. Hình như máu trong người hắn đang dần đặc quánh lại. Chẳng lẽ hắn trở thành bộ xương khô ở đây? Nước mắt hắn ứa ra. Trời ơi! Giá như gào được, hét được, nước mắt trào ra được cũng sung sướng lắm. Chẳng ai ở ngoài cái sa mạc chết tiệt này biết khóc trào nước mắt ra được là sung sướng. Ôi! Giá như hắn nói được với những con người hắn từng xem là tầm thường ngoài kia, những con người không khát vọng…Bao lâu nữa hắn chết?...Một tiếng hay mười phút?...Thần chết nhấm nháp cơ thể hắn giống như hắn nhấm nháp tách cafê nóng với nàng trong một sớm xuân se lạnh tháng ba đầy sắc hương, ong bướm và lóng lánh hạt sương? Ừ! Trước khi chết nhớ về Nàng cũng là anh hùng! Anh hùng không qua ải mĩ nhân…Không có mĩ nhân không có anh hùng…Than ôi! Chỉ mình hắn biết hắn là anh hùng…
          Rồi hắn nghe tiếng người nói lào thào. Hắn cố mở mắt ra mà chỉ thấy một màu đen kịt. Hắn còn sống hay đã chết, tỉnh hay mơ? Muốn tự cấu vào người nhưng không nhấc nổi cánh tay. Không còn cảm giác khát, nóng nữa. Hắn nghe rõ tiếng lào thào:
-         Ngươi có muốn đến ốc đảo thần tiên không?
Đầu óc hắn nghĩ có nhưng miệng không nói được.
-         Ta sẽ đưa ngươi đi!
-         Sao ta không trả lời mà ngươi biết ước muốn của ta?
-      Nghe lời nói mới biết suy nghĩ của người khác thì bình thường, mà ta thì khác người bình thường một chút.
Như một cơn gió thoảng qua, chưa thật rõ cảm giác, hắn nghe tiếng lào thào:
-         Đến nơi rồi, ta đi đây.
Mở mắt ra hắn thấy đang đứng dưới thung lũng, xung quanh toàn đồi cát, trước mặt là những đám ruộng khô cằn, cây lúa còi cọc, mỗi bông độ chừng chục hạt bé tí. Xa hơn một chút, sau mảnh vườn cây ăn trái thấp lè tè là nái nhà tranh nho nhỏ, xinh xắn. Chếch về phía hồi nhà là một giếng nước, hắn biết vậy vì thấy dáng người phụ nữ đang múc nước. Linh tính mách bảo, đấy là Nàng.
          Người phụ nữ đón hắn ở cổng. Thoạt nhìn hắn nghĩ đó là mẹ Nàng. Đang suy nghĩ cách gọi cho phù hợp, người phụ nữ lên tiếng:
-         Chàng đã đến rồi ư?
Hắn ngạc nhiên, mới cách đây hơn một tháng Nàng có già như thế này đâu.
-         Đi theo em, đến giếng nước chàng hết ngạc nhiên thôi.
Hắn cúi mặt nhìn xuống giếng, một lão già nhìn lên. Hắn nhếch mép lão già cũng nhếch mép, hắn cau mày lão già cũng cau mày, hắn đưa tay sờ má lão già cũng đưa tay sờ má…Lão già là hắn ư? Cái ốc đảo khô cằn hơn những nơi khô cằn ngoài kia sao gọi là ốc đảo thần tiên? Nghĩ vậy hắn buông tiếng thở dài.
          Trao cho hắn cốc nước làm bằng sọ dừa, Nàng nói:
-         Con người vất vả mưu sinh chóng già, chàng biết mà.
-         Sao gọi là ốc đảo thần tiên?
Nàng trả lời, tiếng Nàng ngọt mát hơn hớp nước hắn vừa uống.
- Chàng chưa quen thôi, ở đây là ốc đảo thần tiên của tâm hồn, không có sự dối trá và ganh tị. Nhà có cửa để ngăn gió cát chứ không để ngăn cấm con người.
          Nhìn lọ hoa khô trên bàn, nhìn bốn bức vách được kết bằng cây cỏ, hắn nói:
          - Sao không tìm giống cây trái có năng suất mà trồng? Chương trình khuyến nông trên ti vi hướng dẫn hàng ngày đó thôi.
Nàng cười:
          - Ở đây không có ti vi, điện thoại, internet hay đồng hồ. Hạt giống ở đây cho năng suất gấp bội nếu gieo trồng ở nơi chàng sống. Còn hạt giống ngoài đó đem gieo ở đây ư? Chúng không mọc được.
Hắn nghĩ nàng nói đúng. Hạt cỏ rơi vào ruộng có khi tốt hơn lúa, hạt lúa rơi vào bờ cỏ nếu mọc được cũng không thể cho bông. “Hoa thì thường héo cỏ thường tươi”, ông Nguyễn Trãi nói vậy mà chí lí. Vậy sao Nàng đã gặp ta ngoài sa mạc mà không ở lại? Ở ngoài kia nàng xinh đẹp, quyến rũ biết bao nhiêu. Ta sẽ cho Nàng cuộc sống đầy đủ. Theo Nàng vào đây…mà Nàng đâu còn như trước…
          Như hiểu được suy nghĩ của hắn, Nàng nói:
          - Vẻ đẹp thể xác không thể tồn tại mãi. Vẻ đẹp tâm hồn mới bất diệt. Đành rằng chàng theo em vào đây có cả hai nhưng vẫn nghiêng về vẻ đẹp thể xác. Thể xác là vật chất, tâm hồn là tư tưởng, tinh thần. Chàng từng nói điều này rất hay mà. Thực ra em không già đâu, vì phải tương xứng với chàng nên em mới có dung mạo như vậy.
          - Ta khó khăm lắm mới vào được đây, thế mà…Còn Nàng ra và về như thế nào?
Nàng nheo mắt nhìn hắn, đôi mắt đen láy, trong trẻo, sâu thẳm, mênh mông và ấm áp lạ thường.
          - Khát vọng chinh phục của chàng nghiêng về vật chất nên mỗi bước đi mỗi bước khó khăn, khát vọng của em là khát vọng của tâm hồn nên bước đi nhẹ nhàng lắm.
          - Nàng nói rõ hơn một chút có được không?
          - Chàng muốn viết một cuốn sách thâu tóm nỗi đau nhân loại nên mới chỉ là hiện tượng chàng đã đẩy tới điển hình và muốn giải quyết nó bằng vũ lực…Chàng quên lúc bé bị bệnh, uống thuốc giảm đau vẫn đau, không ngủ được. Chỉ khi mẹ chàng hát ru chàng mới ngủ được đó sao?
Thực tình hắn vẫn chưa hiểu lắm. Mắc chiếc võng gai, Nàng bảo:
          - Chàng ngã lưng một chút, em ru chàng. Thức dậy chàng hiểu ngay thôi mà.
Nằm trong chiếc võng hắn thấy thoải mái vô cùng. Tiếng kẽo kẹt hai đầu võng đệm  tiếng hát ru của Nàng ngọt ngào, dìu dịu, mượt mà như sóng lúa, ấm áp như ánh nắng mùa đông…gợi cho hắn cảm giác bình an…Lời ru kể chuyện một cậu bé thả diều trên bãi biển, cánh diều bay lên...bay lên…rồi sóng hát, gió hát…cậu bé lớn lên theo lời hát. Bỗng dây diều của cậu vương vào dây diều của một cô bé, cả hai chiếc diều kéo cậu bé, cô bé bay lên…gió hát nơi gặp gỡ tâm hồn là tình yêu, sóng hát cuộc đời bình an là biết cho đi và trân trọng những gì nhận lại…
Cho…oang!...Tiếng vỡ đồ vật bằng sứ làm hắn giật mình tỉnh dậy. Tiếng lão Nô nhà hàng xóm chửi vợ khi nào cũng than vãn tiền…tiền…, tiếng gào thét, la làng của mụ vợ về thằng chồng chỉ biết tối ngày say xỉn…Hắn tính sang can ngăn nhưng dậy không nổi, mồm miệng đắng chát. Cô bé bán bắp nướng đầu ngõ đưa cho hắn ca nước:
- Anh say gì mà ngủ li bì từ tối qua đến giờ, một ngày một đêm rồi chớ ít gì, em sợ quá!
Như đọc được ý nghĩ của hắn, cô bé nói tiếp:
- Cứ để vợ chồng lão ta chửi nhau một lúc rồi hết, có người can bà vợ lại làm già. Cứ như anh mà hay, nói khi chưa say, say thì ngủ không nói…
Hắn chợt thấy cô bé có nét gì đó hao hao giống Nàng!

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

BỐN MÙA EM...

        
          Mùa xuân rực rỡ hoa, mùa hạ rực rỡ nắng, mùa thu lá rơi thầm lặng, đường em qua trải tấm thảm vàng, đông về gió bấc từng cơn, cái lạnh buốt lạnh hơn, nỗi cô đơn vọng chân trời mây xám.
          Gió mùa xuân dịu nhẹ, ngọt ngào hương sắc mật hoa, ong bướm đùa vui dưới nắng ấm chan hòa, bên cành đào lấm tấm bông, má em hồng, ta chợt nao lòng với câu thơ cũ.
          Con đường xưa bụi đỏ, gió cợt đùa, muốn nhuộm hồng tà áo trắng tinh khôi, trời xanh cao vời vợi, tiếng ve giục, lòng ta bối rối, thay dòng lưu bút, ta chép cho em nhạc phẩm: “Xe đạp ơi”…
          Vội vàng chi thu tím cả sắc trời, lá rụng rơi theo dấu chân qua, em bước về miền cỏ hoa, ta nhặt lá xếp tên em, tên ta giữa trái tim vàng lá, gió nặng lòng ưu tư, vội vã, quét ngang qua, còn dấu hỏi giữa đất trời!
          Trăng mùa đông cứ đứng mãi không trôi, bàng bạc trắng ánh trăng rơi trên sương trên khói, đã bao lần lòng ta thầm hỏi: “mùa đông sao mãi cứ đơn côi?”, gió bấc rít lên từng đợt từng hồi, hồn ta lạnh nên sá chi giá lạnh.
           Em là em mà tỏa nên ánh nắng, sưởi ấm bốn mùa, sưởi ấm tim ta, em là em mà là gió là hoa, là xuân sắc căng tràn nhựa sống, xa cách em hồn ta trống rỗng, bốn mùa trôi não nuột tiếng bi ca, giam cầm em trong trái tim ta, ngoài kia đông cũng hóa mùa xuân thắm.