Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

NHỮNG ĐIỀU NGAY CẢ HARVARD KHÔNG DẠY BẠN



     Trong vụ cướp nhà băng được cho là ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một tên cướp hét lên: “Tất cả đứng im, nên nhớ tiền thuộc về Nhà nước, còn mạng sống thuộc về chúng mày!”
Mọi người trong ngân hàng nghe xong liền im lặng nằm xuống.
( Điều này được gọi là: “Cách thức khai tâm – Thay đổi những suy nghĩ theo lối mòn”)
     Có cô nhân viên nằm trên bàn trong tư thế khêu gợi, một tên cướp hét lên: “Làm ơn cư xử văn minh, chúng tôi là cướp chứ không phải những kẻ hiếp dâm!”
( Điều này được gọi là “Hành xử chuyên nghiệp – Chỉ tập trung vào công việc mà bạn được huấn luyện!”)
    
Khi tên cướp quay lại, một tên cướp trẻ (có bằng MBA) nói với tên cướp già  (kẻ mới tốt nghiệp hết phổ thông): “Đại ca, có phải đếm xem chúng ta cướp được bao nhiêu?”. Tên cướp già gằn giọng: “Mày ngu lắm, bao nhiêu tiền, đếm thế nào được? Đợi đi, tối nay TV sẽ nói chúng ta cướp được bao nhiêu!”
 ( Điều này được gọi là: “Kinh nghiệm – Ngày nay thì kinh nghiệm quan trọng hơn giấy tờ, sách vở”)
    
Sau khi băng cướp rời khỏi, giám đốc chi nhánh định gọi báo cảnh sát. Kế toán trưởng vội vã chạy đến, thì thầm vào tai ngài: “Đợi đã, hay để 5 triệu chúng ta biển thủ vào trong số bị băng cướp lấy mất!”
( Điều này được gọi là: “Bơi theo dòng nước – Chuyển đổi những tình huống bất lợi trở thành thuận lợi”)
     Người giám đốc tự nhủ: “Vậy thật tuyệt nếu cứ mỗi tháng lại có một vụ cướp!”
( Điều này được gọi là: “Hãy loại bỏ những điều khó chịu – Hạnh phúc là điều quan trọng nhất”)
    
Ngày hôm sau, TV đưa tin 100 triệu đã bị cướp khỏi nhà băng. Những tên cướp đếm đi đếm lại thì chỉ có 20 triệu. Chúng rất giận dữ: “Chúng ta mạo hiểm mạng sống của mình chỉ để lấy 20 triệu, bọn chó lãnh đạo chỉ ngồi chơi mà cướp được 80 triệu. Đúng là học hành, có bằng cấp thì chúng nó được ngồi cái ghế đấy, cướp tiền siêu đẳng hơn chúng ta!”
   ( Điều này giải thích tại sao: “Kiến thức thì giá trị như vàng”)

     KẾT LUẬN: Trong cuộc sống luôn có những điều chúng ta có thể nhanh chóng nhìn ra, có những điều không như chúng ta thấy từ bên ngoài, và chân lý chỉ mang tính tương đối.
Quan trọng nhất là thái độ đối với cuộc sống này, hay cách nhìn chúng ta lựa chọn để mang lại vui vẻ, hạnh phúc cho bản thân, cho những người thân xung quanh mình. 


Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

KỸ NGHỆ ĂN MÀY



Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Levi’s ra khỏi Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt.
      Hắn đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học tại chức kinh tế ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.
- Xin anh… cho tôi ít tiền đi! - Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.
Ăn mày rất thích kể lể.
- Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Levi’s ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…
- Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! - Tôi ngạc nhiên.
- Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. - Ông ta bắt đầu mở máy. Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
- Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
- Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoán chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.
     Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
- Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…
- …....?
- Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng . Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi. Ông ta lấy giọng nói tiếp:
- Ở khu Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian để tìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
- Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? - Tôi căn vặn.
- Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!
- Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
- Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm
chí có thể 4-500 nghìn.
- Hả? Nhiều vậy sao?
Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
- Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.
Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.
Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.
- Ông nói tiếp đi! - Tôi hào hứng.
- Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?
Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
- Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.
Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.
Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.
- Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!
Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.
- Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?
     Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: "Hồng ơi, anh yêu em", gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.
     Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.
Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!
- Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.
     Quá chuẩn!
- Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.
- Ối ông cũng có vợ con?
- Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.
Tôi buột miệng:
- Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không?

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

NGHE TIN NGƯỜI ANH HỌ MẤT


              

               Nghe tin người anh họ mất
               Ở xa chẳng thể viếng thăm,
               Lòng cứ u sầu nằng nặng
               Bước chân như mất thăng bằng.

               Anh đi tuổi đời còn trẻ
               Mang theo nhịp phách tài hoa,
               Đường đời bon chen không dễ
               Mặc ai, mình giữ nếp nhà.

               Mấy đứa con thơ khờ dại
               Chúng chưa đau hết nỗi đau,
               Nên nỗi buồn thương cọng lại
               Bờ vai nặng gánh chị dâu.

               Chị sống cuộc đời thế tục
               Biết đâu Cực Lạc Niết Bàn,
               Hồn anh có về nơi ấy?
               Trần gian lòng chị nát tan!

               Tựa cửa vọng vào Sa Mát
               Thương anh đau thắt trong lòng,
               Thắp nén tâm hương thành kính
               Mịt mù trời đổ cơn giông...
 



TRI KỶ (!)



     Sáng ngủ dậy, con đứa đi đông đi tây, vợ về quê làm đám giỗ, chán quá. Lúc chưa nghỉ hưu, giờ này không biết nhận lời đi ăn sáng với đứa nào, từ chối đứa nào. Chiều phải cho chúng nó cái hẹn để chúng khỏi phân bì thương đứa này bỏ đứa kia. Thế mà từ khi nghỉ hưu, tính đến nay chưa tròn tháng mà nhà vắng như chùa Bà Đanh.

            Gọi điện thoại cho cái thằng mình cất nhắc nó lên thay, chưa xong câu hỏi thăm nó đã bảo bận tối mắt tối mũi, đang vội. Lạng xe qua nhà hàng đặc sản trước đây thường ăn sáng, thấy nó bệ vệ ngồi giữa, mấy đứa trưởng phó phòng xun xoe, thấy mà ghét. Hình như nó thấy ông thì phải. Thôi đành tìm cái quán bình dân vậy. Hết quan hoàn dân, ai cười. Với lại, khi còn làm quan, bổng lộc nhiều, cần quái gì đến mấy đồng lương. Giờ, lương hưu chỉ còn 75%, mấy đứa con, bà vợ quen thói ăn tiêu như hồi ông còn làm Chủ tịch, thành ra, chưa đến nỗi thiếu hụt lắm nhưng cứ chi ra không có thu vào nên cứ bức bối sao sao ấy.

     Vừa bước vào quán, loay hoay tìm chỗ ngồi, ông nghe tiếng gọi:
     - Anh Tám, vào đây.
     Thì ra mấy tay về hưu trước ông mấy tháng. Cậu Hữu, phó phòng Tư pháp nghỉ trước một năm vì hai năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ. Cậu Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, chưa đầy năm lăm tuổi nhưng cơ quan cho nghỉ trước mấy tháng chờ quyết định. Chỉ ông Ba Vui, Giám đốc Chi nhánh Du lịch là về đúng tuổi.
     Kéo ghế cho ông Tám ngồi, cậu Hữu nói:
     - Trái đất tròn, thời gian trôi nhanh thật. Cứ tưởng anh Tám ăn sáng ở nhà hàng đặc sản chứ?
     - Thì cũng như mấy ông thôi.
Ba Vui cười:
     - Bọn tôi và anh khác nhau chứ, chúng tôi là tiểu nhân, anh là đại nhân!
Ông Tám bực tức:
     - Khác cái con khỉ, hết quan hoàn dân, như nhau cả thôi!
Không khí căng thẳng thì mất vui, cậu Nam lái sang đề tài khác:
     - Ông Hữu còn nhớ cách đây hơn chục năm, tụi mình nhậu ở nhà anh Ba Vui không?
     - Nhớ, nhớ, hôm đó cũng bốn anh em mình, anh Tám lúc đó mới chỉ Chánh văn phòng.
Né người cho chủ quán đặt tô phở lên bàn, Ba Vui nói:
     - Mình còn nhớ hôm đó nhậu xong, uống nước trà cao hứng mấy anh em làm thơ liên vận nữa. Mấy ông còn nhớ câu thơ mấy ông làm không? Ai không nhớ tôi đọc hộ cho.
     - Nhậu cả ngàn bữa nhưng được mấy bữa nhậu vui như hôm đó, đúng là tri kỷ. Cậu Hữu đọc lại đi, ông Tám góp lời.
     Húp một chút nước dùng, đặt muỗng xuống, Hữu đọc với giọng điệu nghiêm trang:
            Làm trai phải hiểu lẽ ở đời.
Ba Vui cười, đọc tiếp:
            Biết đi đây đó, biết ăn chơi.
Cậu Nam giống Ba Vui, đậm dấu ấn nghề nghiệp, khuyên bảo:
            Ngày lễ bia ôm đừng léo hánh.
Ông Tám hạ câu chốt:
            Ô to chạy mánh ắt ngon xơi!
     Mấy thực khách bàn bên cũng bật cười, có cô gái dùng khăn bịt chặt miệng cho khỏi bị sặc. Ba Vui đề nghị:
     - Bây giờ làm bài thơ nói về hoàn cảnh thực tại đi.
Cậu Hữu nói:
     - Nghề nghiệp tôi nó khô khan, nó liễm vào đầu óc, làm sau chắc không được, tôi đành hỗn, xin đọc trước:
            Về hưu buồn chẳng có bạn chơi.
Ba Vui tiếp, không biết có ý kháy ông Tám hay không:
            Lang thang quán xá chẳng ai mời.
Cậu Nam giọng thơ vẫn cái bệnh nghề nghiệp:
            Thấy bóng từ xa chúng nó né.
Ông Tám nghe Ba Vui đọc đã bực, cậu Nam đọc lại làm ông tức hơn. Chúng nó cứ như đi guốc trong bụng ông vậy. Mẹ kiếp, chỉ cách đây hơn tháng,…ông đâu có tưởng tượng được cái cảnh này. Đang mãi suy nghĩ, Ba Vui giục:
     - Đến lượt anh Tám hạ câu chốt rồi đó!
Như để có thời gian cho ông Tám tìm vận, cậu Hữu đọc lại ba câu thơ:
            Về hưu buồn chẳng có bạn chơi
            Lang thang quán xá chẳng ai mời
            Thấy bóng từ xa chúng nó né
Ông Tám văng tục:
            Buồn cho nhân thế đéo mẹ đời!
     Câu tục của ông Tám không vượt ra ngoài đề tài cậu Hữu khởi xướng. Nhưng không ai ngờ, một ông Tám trước đây lời ăn tiếng nói luôn chừng mực, giờ lại thế.

     Đưa ly nước cho ông Tám, ba Vui nói:
     - Buồn đời làm gì anh Tám, ít ra anh cũng có chúng tôi là tri kỷ mà!

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

I LOVE JOSE MOURINHO !



     Lẽ ra tôi phải dùng từ tiêu đề bằng tiếng Việt là thích lại cảm thấy chưa đủ thể hiện tình cảm, hâm mộ thì có cái gì đó như trẻ con, còn yêu thì tôi chỉ muốn dùng cho người khác giới nên đành sử dụng tiếng Anh – ngôn ngữ tôi cực kỳ dốt.
     Báo chí tiếng Việt chê khen đối với Mou đủ cả, chê nhiều hơn khen. Tôi không hiểu người ta nghĩ như vậy hay dịch từ báo chí nước ngoài rồi thêm gia vị chủ quan vào. Có việc nói quá lên, nói quá nhiều, hình như người ta không nói thì ngứa miệng vậy. Thử hỏi chúng ta ai không mắc lỗi, dù là lỗi rất nhỏ, khi tiếp nhận phê bình thái độ chúng ta như thế nào nếu sự việc cứ nhắc đi nhắc lại?
     Trước tiên, điều chúng ta cần học tập ở Mourinho là cách ăn mặc, bao giờ cũng vậy, trong cabin chỉ đạo Mou tề chỉnh, lịch lãm. Trong khi đó, rất nhiều giáo viên, viên chức chúng ta đến trường, đến công sở ăn mặc xuề xòa, thậm chí phản cảm.
     Mou tự khẳng định mình chứ không cần người khác lăng xê hộ. Xây dựng một đế chế cần thời gian, với kẻ lãng du như Mou, chỉ cần ba mùa bóng nếu không khẳng định được mình là hỏng. Một đội bóng nhiều sao càng nhiều cái tôi, cái tôi của Mou không lớn hơn hẳn làm sao buộc những cái tôi ấy tuân thủ đấu pháp, thực hiện đấu pháp của huấn luyện viên (HLV) ở mức độ cao nhất? Bóng đá là môn thể thao tập thể, một vài cầu thủ không thực hiện đúng yêu cầu của HLV thì đừng mong có được chiến thắng. Nhiều bài phân tích, bình luận những sai lầm trong chiến thuật của Mou cứ như là thầy của Mou vậy. Tôi nghĩ, viết được như vậy sao họ không đi làm HLV bóng đá, nghề đang hot nhỉ? Mọi người đòi Mou phải huấn luyện đội bóng của mình có lối chơi quyến rũ, phải tấn công, phải thêu hoa dệt gấm. Có người còn cho rằng cách đá của Mou là “giết chết” bóng đá! Thật nực cười, Mou cũng là kẻ làm thuê thôi, không thành tích, không chiến thắng liệu Mou có còn được tại vị, được dẫn dắt các Câu lạc bộ có tham vọng? Chúng ta còn nhớ rằng khi mới dẫn dắt câu lạc bộ Real, chiều theo ý ông chủ đã cho đá đôi công với Barca - Câu lạc bộ được xem là mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, và kết quả là thua tan nát 0 – 5. Và sau đó với quãng thời gian ngắn, với cách dùng người, chiến thuật hợp lý Mou đã khắc chế được Barca. Để có được điều đó Mou đã làm việc cật lực, tìm hiểu kỹ sở trường , sở đoản đối thủ, lái dư luận, gánh áp lực về mình để cầu thủ có trạng thái tâm lý thi đấu tốt nhất. Điều chúng ta thua kém là chưa bao giờ dám như Mou, là chấp nhận tất cả thiệt thòi về mình để đạt được hiệu quả công việc cao nhất.
      Một HLV bóng đá giỏi là phải làm sao để các cầu thủ tuân thủ đấu pháp trận đấu, phát hiện sớm điểm yếu của mình, của đối thủ để điều chỉnh cho đạt hiệu quả cao nhất. Trong suốt giải đấu phải biết tính toán làm sao cho cầu thủ luôn có thể trạng thi đấu tốt nhất. Trường hợp cầu thủ bị chấn thương, truất quyền thi đấu, HLV phải có giải pháp tình thế tốt nhất. Tóm lại, HLV giỏi phải có tài về chiến thuật (đấu pháp từng trận đấu), chiến lược (tính toán cho cả mùa giải), độ quái (giải pháp tình thế)…ở Mou có tất cả những điều đó. Đối với những bài báo phân tích sai lầm của Mou, chê bai Mou không rõ tác giả có trí tuệ về khoa học bóng đá tầm cỡ nào?
     Khập khiễng một tý, như một học sinh lớp 12 THPT chê bai một vấn đề một giáo sư tiến sĩ toán học tầm cỡ thế giới trình bày trước hội nghị toán học thế giới thì chúng ta tin ai? Tôi nghĩ tác giả một số bài báo chê bai Mou có chăng cũng ở tầm lớp 12 THPT so với giáo sư tiến sĩ thôi! Nói như vậy không phải Mourinho là thánh mà thực lòng tầm suy nghĩ của chúng ta về bóng đá còn thấp hơn nhiều so với Mou.
     Tôi không thích Chelsea nếu không có Mourinho, một HLV đầy cá tính. Tôi viết bài này khi Chelsea của Mou đã thua ba trận đấu lớn trước Bayern, Everton và Basel. Thành ngữ Việt nói “sự bất quá tam”, trong khó khăn của Chelsea, tôi tin Mou sớm tìm được cách giải quyết theo chiều hướng tốt.
      I love Jose Mourinho!

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

VỀ BẾN GIANG ĐÌNH NHỚ CỤ NGUYỄN



Giang Đình bến nước trăng soi
Giọt sương khóe mắt ngậm ngùi Người đi
Buồm giong thẳng hướng kinh kì
Vẳng câu ví dặm sầu bi não lòng...

Sự đời sắc sắc không không
Đắng cay từng trải mặn nồng từng qua
Đa đoan với nước non nhà
"Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?".

Đường đời trong đục thẳm sâu
Tấm thân bèo bọt giãi dầu gió sương
Nhân gian loạn tiếng đoạn trường
Chiêu hồn người lại xót thương hồn mình.

Đêm trăng man mác Giang Đình
Câu Kiều thấm đẫm nghĩa tình Nguyễn Du
Dòng Lam cuồn cuộn sóng xô
Nhớ Người viết vội vần thơ vọng Người.

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

CÔ LÁI ĐÒ



          Cô lái đò đưa khách
          Neo thuyền lại đợi ai?
          Dòng sông không ngừng chảy
          Nỗi nhớ chẳng nguôi ngoai.

          Người đi ra chiến trận
          Hay giong buồm xa khơi?
          Hay người ta uất hận
          Cay đắng bạc lẽ đời?

          Đợi chờ là đau khổ
          Đợi chờ là nhớ nhung
          Bên sông cô ngóng đợi
          Người đi biết hay không?

          Thời gian trôi, sông chảy
          Cô như đá thẫn thờ
          Lữ khách không đành gọi
          Lỡ chạm vào giác mơ!

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

CHUYỆN CẬU TRỌC LÀNG ĐÔNG (2)



     Từ Khi sinh ra cho tới ngày thôi nôi Cậu trọc quặt quẹo luôn. Bà Cả Nhẫn nghe lời bà cô họ đem bán cho đền Thánh Mẫu, ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, như có phép tiên, Cậu Trọc chịu bú, chịu ăn như những đứa trẻ bình thường khác. Ông từ giữ đền bảo cả trăm người đem con bán cho thánh nhưng ngài không nhận, riêng Cậu Trọc xin quẻ, thánh nhận ngay. Con Thánh Mẫu ai cũng phải gọi bằng Cậu, kể cả cha mẹ.
     Năm mười hai tuổi, bà Cả Nhẫn đem Cậu đi lễ. Ông từ lấy cho lá số. Tính toán xong, ông thở dài, bảo Cậu lỗi giờ sinh nhưng nhờ cung phúc đức cha mẹ tốt nên thánh giữ lại giúp việc cho ngài.
     Mười bảy tuổi, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp III thì Cậu ốm. Đưa khắp bệnh viện huyện, tỉnh mà bệnh ngày càng nặng. Nhìn Cậu thoi thóp trên giường bệnh ông bác sĩ già cũng chỉ biết lắc đầu. Bà Cả Nhẫn đành đem Cậu về nhà để Cậu được chết dưới mái nhà của Cậu, vong có chỗ khỏi vất vưởng ngoài đường.
     Đưa Cậu về, người làng đến thăm nườm nượp vì tiếc cho làng, Cậu ngoan, học rất giỏi; thương cho bà Cả Nhẫn ăn ở biết điều mà chỉ có một mụn con. Bà cụ Rạng, người cao tuổi nhất làng, nói với bà Cả Nhẫn:
     - Cậu là con của thánh, thánh gọi đi là phải đi. Thôi thì con lấy chai nước giếng làng lên đền thắp hương rồi đem về rửa mặt cho Cậu để Cậu đi cho mát mẻ.
     Ông Hiếu, em bà Cả Nhẫn đổ chai nước vừa đủ ướt chiếc khăn mặt lau cho Cậu. Đang định lau lần nữa thì Cậu mở mắt, đòi uống nước. Cho uống nước sôi để nguội Cậu phun ra. Bà cụ Rạng bảo ông Hiếu:
     - Cho uống nước mang từ đền về con ạ.
     Nghe lời, ông Hiếu cho Cậu uống. Uống xong Cậu thở mạnh và đều hơn, sắc mặt bớt nhợt nhạt. Chiều, Cậu kêu đói, đòi ăn. Rồi bảy ngày sau Cậu khỏi bệnh.
     Khỏi nói bà Cả Nhẫn mừng như thế nào khi Cậu khỏi bệnh. Bà gọi ông Hiếu đến bàn bạc, tính làm mâm xôi, cái thủ lợn lên đền lễ tạ. Biết chuyện, Cậu Trọc nói:
     - Thánh thần chỉ hưởng hương hoa. Lễ bằng hoa quả, trái cây thôi.
     Bà Cả Nhẫn nghe con nói vậy cứ áy náy không biết làm sao, thôi thì mua thêm hoa quả, trái cây chứ lễ như Cậu nói cứ thấy thiêu thiếu, không đành.
     Bà Cả Nhẫn, ông Hiếu sắp lễ chuẩn bị lên đền, Cậu Trọc bảo để Cậu khấn vọng đã. Không biết Cậu khấn thế nào, khấn xong, Cậu bảo:
     - Mâm xôi và cái thủ lợn phần con. Cậu, mẹ lên đền lễ mẹ con chỉ bằng hoa quả thôi.
Nói rồi, Cậu ra vườn rọc lá chuối, xắn một góc xôi, cắt một miếng thịt thủ gói lại, bảo ông Hiếu:
     - Cái này cậu đưa cho ông từ.
Gói một gói xôi thịt như vậy nữa, Cậu đưa cho bà Cả Nhẫn:
     - Cái này biếu cho bà cụ Rạng!
Cậu lọc hết thịt còn lại trên cái thủ lợn, thái miếng gói chung với phần xôi còn lại, Cậu nói với ông Hiếu trước khi bước ra cửa:
     - Phần này của tiểu đồng!
Cậu đem gói xôi thịt ra ngoài bãi gọi đám trẻ chăn trâu lại ăn, chơi với chúng đến chiều tối mới về nhà.

     Từ khi khỏi bệnh tính tình Câu Trọc khác hẳn, lúc trước Cậu nhút nhát, ít lời. Giờ, việc gì trái tai gai mắt là Cậu nói thẳng, quá lắm thì Cậu chửi. Có lần, đội phó đội dân quân tự vệ làng - Đỗ Lại vứt mấy con gà chết dịch ngoài cổng làng, Cậu Trọc thấy, hỏi:
     - Ông đem về vườn ông đào hố chôn, không được vứt như vậy, lây lan gà trong làng thì sao?
Đỗ Lại lớn tiếng:
     - Tao có vứt vào nhà mày đâu mà mày ngứa họng!
Cậu Trọc chửi:
     - Đồ vô lại nhà mày. Mày là đồ vô lại thì đúng hơn tên mày là Đỗ Lại!
     Đỗ Lại sừng sộ nắm cổ áo Cậu Trọc. Nhổ bãi nước bọt, Cậu nói:
     - Mày gan cỡ nào mà dám đánh Cậu? Để Cậu khấn thánh vặn cổ nhà mày!
Đỗ Lại buông tay, bỏ đi. Chiều, cả nhà đang ngồi ăn cơm thì nghe tiếng chó sủa, rồi tiếng "bịch". Đỗ Lại chạy lên thì thấy mấy con gà chết ngổn ngang trước cửa. Ngoài ngõ, thấp thoáng bóng Cậu Trọc. Đỗ Lại chạy theo, chưa kịp chạm vào Cậu thì Cậu la lớn:
     - Bớ làng nước ơi, thằng Đỗ Lại có gà chết dịch đem quăng đầu cổng làng, bớ làng nước...
Một vài người nghe kêu chạy đến. Cậu Trọc chỉ vào mặt Đỗ Lại:
     - Nó vứt gà đầu cổng làng, tôi bảo nó đem chôn, nó còn đòi đánh tôi nữa đấy.
Một chị trung niên tay cầm nắm rau, quay qua hỏi Đỗ Lại:
     - Sao lại làm thế, ông Lại?
     - Thật quá quắt, đội phó dân quân tự vệ mà thế à? Mấy người hùa theo.
Cơ chừng đôi co người làng kéo đến đông hơn nên Đỗ Lại không nói không rằng, cúi mặt lủi vào cổng, đóng cửa lại.

     Năm Cậu Trọc hai mươi tuổi, bà Cả Nhẫn ướm xem ý tứ hỏi vợ cho Cậu, Cậu hỏi:
     - Người mẹ ướm cho con có đẹp không?
     - Mẹ thấy có duyên, hay lam hay làm.
     - Có thông minh không?
     - Mẹ không rõ nhưng nết na, lễ phép.
Cậu Trọc hỏi tên cô gái rồi bảo bà Cả Nhẫn:
     - Mẹ muốn con lấy vợ thì mời bố hay mẹ cô ấy đến chơi đã.
     Một đêm trăng, ông Khuyên, bố cô gái và ông Hiếu đến chơi. Mời hai ông uống nước chè xanh, ăn kẹo lạc, Cậu Trọc nói:
     - Chắc bác và cậu đến chơi có chuyện, để con nói mẹ con lên tiếp.
Cậu vừa dứt lời, bà Cả Nhẫn bưng ra rổ ngô luộc, cười:
     - Bác Khuyên, cậu Hiếu ăn cho vui.
Ông Hiếu nói:
     - Chị ngồi xuống đây, tôi nói chuyện.
Ông Hiếu nói về chuyện mai mối. Cậu Trọc hỏi ông Khuyên:
     - Xin lỗi bác, cháu hỏi thật, vì sao bác đồng ý gả em Linh cho cháu?
Trao điếu thuốc lào cho ông Hiếu, ông nói, giọng trầm trầm:
     - Thứ nhất là con gái bác thích cháu, thứ hai gia đình cháu căn cơ, thứ ba, gả con ở gần đỡ lo, đỡ nhớ.
     - Cháu con nhà nông không biết làm ruộng, gả cho cháu bác không sợ con gái bác đói khổ à?
     - Bác đã nói điều này với con gái bác, nó bảo tuy anh không thi để có tấm bằng đại học nhưng với hiểu biết của anh chắc không nỡ để vợ con đói. Chúng tôi quí anh ở tính chân thực. Nó bảo thời nay đàn ông, con trai như thế là hiếm.
     Tổ chức đám cưới, bà Cả Nhẫn muốn làm cho kha khá, bằng làng, bằng xã nhưng Cậu Trọc bảo:
     - Mẹ để con lo.
Người thân Cậu đến mời, người sơ Cậu gửi thiệp, Cậu xin làng cho mượn đình làng làm hôn trường. Khác tất cả các đám cưới khác, Cậu nhờ chi đoàn thanh niên đứng ra tổ chức. Tiệc cưới chỉ có kẹo bánh, thuốc lá, nước chè xanh nhưng rất vui vì không quá câu nệ lễ nghĩa, vì các tiết mục văn nghệ góp vui đặc sắc. Kết thúc buổi lễ, Cậu nói:
     - Tôi xin thay mặt gia đình cảm ơn đoàn thể, bà con hai bên, bạn bè thương mà đến dự đám cưới của tôi và em Linh. Tất cả những gì thiếu sót hãy trách cứ vào Trọc tôi, sau này đừng bàn tán gì, em Linh nghe được buồn thì tội lắm.
Đám thanh niên nhao nhao: "Cậu Trọc đội vợ lên đầu rồi". Cậu Trọc cười: "Có phúc mới đội vợ lên đầu nhé".
     Mà Cậu Trọc không đến nỗi "đội vợ lên đầu" nhưng chiều vợ thật. Cậu không chơi lông bông như trước nữa, mỗi tuần ba ngày đạp xe đi khắp làng trên xóm dưới mua đồng nát lên huyện bán. Đâu chừng được hai tuần, Cậu chở bà Cả Nhẫn lên bệnh viện huyện đo mắt, cắt cho bà cặp kính. Bà trả tiền, Cậu bảo: "Đây là đồng tiền tự tay con làm ra, mẹ trả tiền là coi con như con nít đấy". Đưa bà ra chợ, mua thêm cái khăn bông lớn, Cậu nói: "Cái khăn lau mặt cũng được, vấn trên đầu cũng được, tiện với mẹ lắm". Bà Cả Nhẫn bảo: "Để mẹ mua cho vợ Cậu cái chi, đi chợ huyện không có chi làm quà cho nó thì tội lắm". Cậu bảo để Cậu. Rồi Cậu mua cho vợ cục xà phòng Camy, hai bộ quần lót, su chiêng Thái.
     Tin Cậu Trọc mua đồ lót cho vợ lan nhanh như gió. Bọn trai làng chọc, Cậu bảo:
     - Đẹp phải từ trong đẹp ra. Đẹp bên ngoài là đẹp cho thiên hạ, đẹp bên trong là đẹp cho Cậu. Thằng nào ngu mới để vợ mặc đồ lót rách.
     Không dưng mua chửi. Mà Cậu nói có lý, bọn trai làng im tịt. Sau này, sinh hoạt chi đoàn, các cô cứ thơm phưng phức. Rồi lần lần, hàng xã, hàng huyện kháo nhau gái ;làng Đông biết ăn mặc.

     Năm trước, đại hạn, ngay cả giếng làng cũng khô cạn. Cậu Trọc lên nhà trưởng thôn hỏi:
     - Răng ông không cho vét giếng làng để bà con có nước uống, nước sinh hoạt?
     - Các cụ bảo ngày xưa hạn hán, cũng có người vét giếng thì lập tức nhà cháy. Thành ra không ai dám làm cả.
     - Thuê người nơi khác đến làm?
     - Cũng không ai dám.
Suy nghĩ một lúc, Cậu Trọc nói:
     - Làng có dám thuê tôi?
     - Thuê Cậu? Cậu mà làm được gì, với lại bà Cả Nhẫn, vợ Cậu không cho đâu!
Nói mãi, ông trưởng thôn bảo phải họp làng đã. Khi nghe Cậu Trọc đứng lên nhận vét giếng làng, bà Cả Nhẫn tái mặt, đổ mồ hôi trán. Cậu bảo: "Mẹ đừng lo nhà cháy, con là con Thánh Mẫu mà".
     Thỏa thuận nếu giếng làng có nước, mỗi gánh trả cho Cậu hai hào hay một quả trứng gà. Đỗ Qua nói khích:
     - Cậu Trọc vét giếng có nước tôi cạp đất!
     Ngày hôm sau Cậu mua sáu xe trâu đá khối, cho chở đến giếng làng. Một mình Cậu xắn bùn, gánh đi đổ. Cô Linh thương chồng, bỏ việc nhà ra làm. Bà Cả Nhẫn không dám nấu nướng, cứ chạy ra chạy vào nhìn lên mái nhà, miệng lẩm nhẩm khấn vái gì không rõ. Vợ chồng Cậu làm hết buổi thì nước mạch rịn ra. Cậu bảo vợ:
     - Em chạy ra chợ mua mấy cái bánh chưng, mình ăn rồi làm tiếp.
     - Sao không về nhà ăn cơm?
     - Mẹ không dám nấu mô!
Cô Linh tạt qua nhà, đúng như lời Cậu nói thật.
     Ăn xong, làm tiếp, bất ngờ lưỡi xẻng Cậu xắn phải cái gì cưng cứng, moi dần thì ra là một cái thạp lớn được đậy kín, gắn sơn ta.
     Dân làng Đông nghe tin Cậu Trọc đào được cái thạp lớn, nặng lắm, hai vợ chồng khiêng mới nổi, chạy ra xem. Người ta nhao nhao bàn tán:
     - Có khi có vàng trong ấy đấy.
     - Vàng làm gì mà nhiều thế, tiền đồng thôi.
Cậu Trọc nói:
     - Cái thạp ở giếng làng là của chung của làng. Ai muốn chia của thì xuống đây chèn đá giúp vợ chồng tôi.
     Đám thanh niên xuống giúp. Họ ngượng với việc không dám vét giếng làng, chứ có vàng thật họ cũng chẳng được một xu.
     Chèn xong mấy xe đá, nước mạch chảy mạnh, dâng lên thấy rõ. Cậu Trọc nói:
     - Tát hết nước bùn, chiều tối nay có nước dùng rồi.

     Mọi người vừa lên khỏi giếng thì anh em Đỗ Thừa, Đỗ Qua đến.
     - Mang cái thạp về trụ sở hợp tác xã lập biên bản. Đỗ Thừa lên tiếng.
Cậu Trọc cười:
     - Ông muốn biển thủ đấy à, tôi mở ra ngay tại đây để mọi người cùng chứng kiến!
Nói rồi Cậu tháo lưỡi xẻng ghè nhè nhẹ cho bong lớp sơn. Cậu nhắc:
     - Ai muốn coi thì đứng trên gió, đứng xa xa, lỡ có khí độc!
Mọi người dạt ra, lách lưỡi xẻng vào khớp nắp, Cậu nạy manh. Một tiếng khè như rắn hổ phun, cái nắp bể, cát chảy lộ ra cái hộp gỗ. Kéo cái hộp gỗ ra, dốc ngược thạp, chỉ có cát.
     Đỗ Qua lấy cái cán xẻng vạch vạch, chỉ cát và cát. Cậu Trọc nghiêng đầu, với bàn tay mở nắp hộp. Một cái bọc lụa đỏ, trong đó có mấy tờ giấy nền hình rồng, mây viết chữ Hán có đóng dấu đỏ. Xem qua một lượt, Cậu Trọc cười:
     - Đại cát, đại cát, làng ta đại cát!
Rồi Cậu giảng giải:
     - Tôi chỉ biết dăm ba chữ Hán, nhưng chắc chắn đây là sắc phong của nhà vua về làng ta.
Đỗ Qua vứt cán xẻng, đứng dậy, lẩm bẩm:
     - Mẹ kiếp, lỡ mất bữa rượu...
Chưa dứt câu, Đỗ Qua loạng quạng ngã sấp, đập mặt xuống đất, gãy hai cái răng cửa, máu, đất cát đầy mồm giống như ma cà rồng hút máu trong phim.
     Đỗ Thừa xốc thằng em lên chiếc cub50, nổ máy chạy. Khói xe đen kịt, mù mịt giống như yêu quái bị Tôn Ngộ Không đánh thua, chạy trốn.